Thứ Tư, 18 tháng 3, 2009

Chơi nhạc dân tộc nào có nghèo!


Nghệ sĩ Tuyết Mai biểu diễn hát chầu văn phục vụ du khách tại Trúc Mai home concert

Không có âm nhạc nào khiến cho nghệ sĩ nghèo cả mà chỉ có nghệ sĩ chưa chịu tìm đất sống cho tài năng và nghề nghiệp của mình

Gật đầu, nhịp chân rồi lắc lư thân người như ngất ngây mỗi khi tiếng đàn bầu, đàn tam thập lục đưa đến đoạn cao trào, hai du khách người Pháp ngồi thưởng thức với nét mặt mãn nguyện. Họ nhắm nghiền mắt lại, lắng nghe say sưa như nuốt từng giai điệu. Hết biểu diễn đàn bầu, đàn tam thập lục, thổi sáo, kèn môi, gia đình NSƯT Đinh Linh- NSƯT Tuyết Mai lại biểu diễn đàn Krông put, đàn T’rưng, đàn đá,... Trúc Mai home concert (154 Phạm Viết Chánh, quận Bình Thạnh - TPHCM) nhà riêng của gia đình nghệ sĩ Đinh Linh - Tuyết Mai - đang trở thành một điểm đến của du khách nước ngoài khi thăm TPHCM. 

 

Trong khó ló khôn

 

Hiện nay, tại TPHCM có hơn 100 nghệ sĩ chơi nhạc cụ dân tộc chuyên nghiệp lẫn không chuyên. Các nghệ sĩ chủ yếu biểu diễn nhạc dân tộc phục vụ cho du khách nước ngoài trong các nhà hàng, khách sạn. Thế nhưng, do kinh tế đang lúc khó khăn, hoạt động du lịch, nhà hàng cũng vắng khách, nghệ sĩ chơi nhạc dân tộc mất dần việc.


Không ít lần trong những buổi diễn phục vụ du khách, NSƯT Đinh Linh được du khách “bày đường” chơi kèn ở những nơi công cộng để phục vụ khán giả, một hình thức biểu diễn rất phổ biến ở nước ngoài. Theo họ, sự hấp dẫn của nhạc cụ dân tộc cùng với kỹ năng biểu diễn của mình, một ngày anh có thể kiếm không dưới 100 USD. “Thế nhưng, ở mặt nào đó, việc biểu diễn ngoài đường không phù hợp với văn hóa VN. Quan trọng hơn, tính sĩ diện của nghệ sĩ VN không cho phép tôi chấp nhận biểu diễn ở đường phố, dù cốt lõi của mọi vấn đề là vì mưu sinh” -  NSƯT Đinh Linh nói.


Và để mưu sinh, NSƯT chơi sáo trúc Đinh Linh quyết định mở phòng hòa nhạc tại gia. Trúc Mai home concert đã ra đời từ đó. “Ý tưởng làm nghề khá mới mẻ này không chỉ mang lại thu nhập cho chúng tôi mà còn là những buổi sinh hoạt âm nhạc đặc biệt của gia đình. Bởi trong nghệ thuật, nếu không chơi nhạc thường xuyên thì tự nhiên kỹ năng của mình sẽ mai một. 

Vài lần, du khách Nhật yêu cầu được đến thăm nhà và thưởng thức ngón nghề của NSƯT Tuyết Mai (do NSƯT Tuyết Mai đã nhiều lần đến Nhật biểu diễn), anh chị quyết định hợp tác với các công ty du lịch để phục vụ du khách tại nhà. “Không ngờ mô hình biểu diễn này lại được du khách ưa thích bởi sự gần gũi, thân thiện” - NSƯT Tuyết Mai nói.

Trung bình một buổi diễn (kéo dài từ 35 phút đến 60 phút) có mức thù lao 50 USD/nhóm du khách (từ 1 đến 5 người).

 

Đi tìm khán giả

 

Vài nhóm nghệ sĩ còn nghĩ đến việc quy tụ những người cùng chí hướng, thành lập một dàn nhạc lớn, biểu diễn phục vụ cho du khách nước ngoài. Tiêu biểu là nghệ sĩ Minh Hà (cựu thành viên nhóm Mặt Trời Đỏ).  Chị tâm sự: “Những lần đến biểu diễn ở nhà hàng, quả thật tôi đã  “sốc” vì môi trường làm việc lẫn thù lao được nhận (60.000-70.000 đồng/2 giờ biểu diễn). Vì cuộc sống, chị vẫn phải làm, nhưng sau bao lần trăn trở, chị nhận ra rằng “một cây nhạc cụ dân tộc chưa đủ sức thu hút người nghe nhưng có hẳn một nhóm người với nhiều loại nhạc cụ cùng hòa nhạc thì hiệu ứng sẽ khác”. Thế nên, chị đã chiêu mộ, tuyển chọn những người ưng ý nhất tạo thành một nhóm. Và những tiết mục biểu diễn của nhóm, dù vẫn trong những buổi tiệc và khán giả là những thực khách, nhưng kết quả hoàn toàn khác.

Có những du khách đến chụp hình, hỏi thăm về đàn và cả nhã ý muốn chơi thử. Đó là điều hạnh phúc nhất mà bất kỳ nghệ sĩ nào cũng mong muốn có được. Khi đã tạo được ít nhiều ấn tượng, sô diễn của họ cũng tăng lên.

Nhạc dân tộc VN luôn có sức hút mãnh liệt với du khách nước ngoài. Thực tế hiện nay, du khách chưa có nơi thưởng thức nhạc dân tộc một cách chính thống. Chính vì vậy, nhiệm vụ của nghệ sĩ là phải đi tìm khán giả” - nghệ sĩ Đức Dậu thổ lộ. Đồng ý, nghệ sĩ Minh Hà nói: “Nếu chúng ta không tự tìm công chúng cho dòng nhạc của mình thì tránh sao khỏi cuộc sống chật vật, khó khăn. Không có âm nhạc nào khiến cho nghệ sĩ nghèo cả, chỉ có nghệ sĩ chưa chịu tìm đất sống cho tài năng và nghề nghiệp của mình”.

Bài và ảnh: Thùy Trang
Nguồn: Báo Người Lao Động
Ngày 18.03.2009

2 nhận xét:

  1. Ngọc Hân thân mến,
    Cám ơn con nạp bài này lên blog của con, một bài cho thấy sự tìm cách phổ biến nhạc dân tộc ở miền Nam . Quận Bình Thạnh thì lại là ở gần nhà Ba của chú và của Bác Vĩnh Bảo.
    Như thế cũng là cách tiếp tay làm sống lại nhạc dân tộc .
    Chú
    Tran Quang Hai

    Trả lờiXóa
  2. Thưa chú Hải,

    Lúc đọc bài này con cũng có câu hỏi thoáng qua trong đầu là không biết Thầy Khê có từng đến nghe chương trình ở Trúc Mai home concert lần nào chưa.

    Hy vọng đời sống của các nhạc sĩ, ca sĩ nhạc dân tộc sẽ sớm được cải thiện.

    Chúc chú Hải một ngày vui vẻ

    Trả lờiXóa

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...