Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

Du lịch Lái Thiêu Bình Dương nhân dịp Lễ hội "Lái Thiêu mùa trái chín 2013"

Sáng thứ bảy đẹp trời (08/6/2013), Mèo già đèo Chuột nhắt còi trên chiếc xe jupiter còm cõi thẳng tiến tour du lịch Bình Dương cuối tuần. Trên tay cầm điện thoại mở google map, Chuột chỉ đường Mèo xuất phát từ ngã tư Thủ Đức rong ruổi Võ Văn Văn - Tô Ngọc Vân, qua cầu vượt Gò Dưa tiếp tục chạy đường Tô Ngọc Vân (còn gọi là tỉnh lộ 43) đến cuối đường quẹo trái gặp trạm thu phí.
Ở đây có 2 lựa chọn, 1 đi theo quốc lộ 13 (đường đi KDL Đại Nam), 1 đường thẳng vào thị trấn Lái Thiêu.

Bữa nay là mùng 1 tháng 5 Quý Tỵ, tỉnh Bình Dương tổ chức lễ hội "Lái Thiêu mùa trái chín", từ khi  biết thông tin về lễ hội này trong hội chợ Du lịch Việt Nam bữa 7/4/2013 (tại công viên 23-9 Q1) thì 2 nàng Mèo-Chuột đã háo hức ghi vào lịch cho chuyến đi này.

Theo đó, Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín năm 2013” được tổ chức từ ngày 08/6 đến 12/6/2013 tại xã Hưng Định, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. "Lễ khai mạc" được tổ chức vào lúc 20h00 ngày 08/6/2013 tại Nhà hàng 90 (Cầu Ngang cũ); “Hội chợ trái cây” với quy mô 50 gian hàng trái cây đặc sản của các tỉnh, thành như Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp… từ 09h00 ngày 08/6 đến 20h00 12/6/2013 tại Nhà hàng 90.
“Hội chợ thương mại” với 100 gian hàng trưng bày và bán các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao từ 09h00 ngày 08/6 đến 20h00 ngày 14/6/2013 tại Nhà hàng 90; Hội thi “Hương sắc miệt vườn”, vòng bán kết lúc 19h00 ngày 07/6/2013 và chung kết lúc 19h00 ngày 09/6/2013 tại Nhà hàng 90; Hội thi “Tạo hình nghệ thuật trái cây” của các nghệ nhân Bình Dương và các tỉnh Đông - Tây Nam bộ từ 08h00 - 16h00 ngày 07/6/2013 tại Nhà hàng 90; Liên hoan “Đờn ca tài tử” từ 08/6 đến 12/6/2013 tại Nhà hàng Sen Xanh (Cầu Ngang).
  
Hội thảo “Giải pháp phát triển du lịch sinh thái Vườn cây ăn trái Lái Thiêu” tại Becamex Hotel (thành phố Thủ Dầu Một). Chương trình du lịch “Khám phá vườn cây ăn trái và làng nghề truyền thống” từ ngày 08/6 đến 14/6/2013 và các “trò chơi dân gian” từ 15h00 - 20h00 ngày 09/6 đến 14/6/2013, chương trình “ca múa nhạc” vào lúc 20h00 hàng ngày từ 10/6 đến 14/6/2013 tại Nhà hàng 90.

Với tấm lòng nhiệt huyết hết mình ủng hộ sự phát triển của du lịch nước nhà nên Mèo & Chuột đã bỏ cả buổi tối nghiên cứu google map tìm đường đến Nhà hàng 90 Cầu Ngang-Lái Thiêu-Bình Dương

Những địa điểm trong chuyến du lịch Lái Thiêu Bình Dương mình đã ghé qua:
1/ Cầu Ngang, Lái Thiêu, Bình Dương - nơi diễn ra Festival trái cây
2/ Nhà vườn trái cây Lái Thiêu
3/ Công ty Hùng Thái chuyên sản xuất guốc gỗ xuất khẩu
4/ Chợ Búng - Bánh bèo Mỹ Liên
5/ Quán cafe Gió và Nước
6/ Chùa Tây Tạng Bình Dương
7/ Chùa Bà Bình Dương
8/ Chùa Hội Khánh, Bình Dương

 Cổng chào mừng khách đến với lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín
Trái cây tươi roi rói hấp dẫn, tất cả đều được niêm yết giá.
90% các gian hàng ngày 8/6 bán măng cụt với giá ngang nhau, ra khỏi lễ hội thì dọc 2 bên đường
cũng bán rất nhiều măng cụt. Chiều hôm đó hai đứa mua gần 20kg trái cây đủ loại nào là măng cụt, bưởi, xoài, bòn bon, dừa, hồng xiêm ì ạch chở về. 
Dãy hội chợ trái cây nằm trên đường tỉnh lộ 745 Hưng Định (xem google map)
- Đây là cầu Ngang, quả thật cái hội chợ này tuyên bố thì ầm ĩ nhưng quảng bá và tổ chức kém, chỉ có dân địa phương mới biết đường và có thời gian tham gia các chương trình diễn ra trong các ngày lễ hội chứ khách du lịch đến từ nơi khác thì khó mà tham gia được. Các chương trình manh mún, lẻ tẻ xen kẽ rải rác, ở đây thì chẳng có gì để níu chân du khách ở lại theo dõi, cả ngày 8/6 mọi thứ còn lung tung cả lên mà cứ 20g tối mỗi ngày mới có chương trình hấp dẫn diễn ra, làm sao khách ở nơi khác tham dự?
- Mũi tên màu cam là nơi các bạn áo xanh thanh niên tình nguyện phát tờ rơi cho du khách, trong tờ rơi có danh sách gần 20 điểm tham quan văn hóa làng nghề truyền thống ở Bình Dương, tuy nhiên ko có ghi địa chỉ những nơi đó, đến hỏi các bạn tình nguyện viên thì được hướng dẫn sơ sơ chẳng biết đường đâu mà lần, thôi thì tiếp tục google map
- Mũi tên màu xanh chỉ hướng đi vào các vườn trái cây của Lái Thiêu. Sau khi hỏi kỹ bạn tình nguyện viên thì được biết BTC đã liên hệ 3 vườn trái cây có tên trong tờ rơi, du khách cứ việc tới đó tham quan, không cần mua gì cũng được. Thế là 2 đứa hăm hở chạy vào và đi theo đám đông bởi vì hổng có cái bảng chỉ đường nào hết. Cứ chạy đại quẹo đại gần tới vườn thì mới có bản hướng dẫn.
- Đi thẳng vào, quẹo phải, sau đó quẹo trái vào 1 con đường băng qua 1 cây cầu chạy vòng vào 1 khu vườn trái cây. Tới cổng có vài chị mặc đồ bộ ngồi đó, 2 đứa đang ngơ ngác ko biết thế nào thì chị ta tiễn khách bằng câu "ở đây chỉ có trái cây hái sẵn thôi ....." nghe lùng bùng lỗ tai bởi thái độ "ta chẳng cần ai" thế là nhanh chân quẹo xe ra. Đúng là đặc sản Lái Thiêu!
- Chạy ra con lộ đi ngược lại (nếu qua cầu ngang thì quẹo trái) chạy theo đám đông đang hăm hở cầm dù đội nắng đi bộ vào thấy bảng chỉ vào 1 vườn trái cây, tình cờ có 1 đám các ông bà U40 U50 cũng đi vào đó, thế là vào chung 1 lượt luôn. Quán này giữ xe 4.000đ/chiếc. Sau khi gửi xe nhân viên sẽ dẫn khách đi theo 1 con đường nhỏ sâu vào bên trong tới 1 khu vườn phía dưới lầy lội đất, trên phủ bạt xanh. Khách ngồi rải rác ở những chiếc bàn nhựa nhỏ nhỏ khắp trong vườn. Ở đây, khách có thể chọn món, cân trái cây rồi vào hoặc tới nơi rồi gọi món nhân viên sẽ đem đến, giá cả mắc hơn bên ngoài 10-20k trở lên. Hai đứa lượn qua lại ngắm xung quanh xong lội bộ ra.
Ông chủ quán cũng ngạc nhiên hỏi ko mua gì sao, 2 đứa thú thiệt chỉ tham quan, thế mà ông ấy không tỏ ra khó chịu gì cả, còn nhiệt tình chỉ đường chạy ra. Thấy 2 con nhỏ mặt mày ngơ ngác ổng sợ bị lạc nên dặn tới dặn lui gần cả chục lần, lên xe chạy còn gọi với theo nữa 

- Ra khỏi khu vườn trái cây, Chuột & Mèo theo lời hướng dẫn của bé TNV đi theo tỉnh lộ 745 đến Bình Nhâm tham quan xưởng gỗ
 Chạy khoảng hơn 1 km từ phía cầu Ngang, nhìn bên tay trái thấy bảng xưởng guốc gỗ Hưng Thịnh, chạy thẳng vào vài mét thấy có 1 xưởng đang cưa gỗ bên tay trái. Lò dò vào hỏi thăm thì ra đây chỉ là cơ sở nhỏ cắt khuôn guốc thô, ko phải là Hưng Thịnh. Chị chủ cơ sở vui vẻ giải thích những câu thắc mắc của 2 đứa và cho tham quan thoải mái. Ở đây chủ yếu mua gỗ mít,.. (loại gỗ thường) rồi cắt ra, mài nhẵn đem giao cho khách theo đơn đặt hàng. Khách sẽ về sơn phết, vẽ hoặc dán hoa, đóng quai và bán ra thị trường. Nếu chạy 2 máy thì 1 ngày cắt được 500-700 đôi guốc.


Công ty TNHH-SX-DV-TM Hùng Thái chuyên sản xuất guốc gỗ xuất khẩu.
Địa chỉ: 143B Bình Thuận, Bình Nhâm, Thuận An, Bình Dương
Điện thoại: 0650-755-917  và 0650-755-817
Xưởng guốc gỗ Hùng Thái ở ngay đối diện, dẫn xe vào xưởng và liên hệ với 1 chú (có lẽ là quản lý) chú ấy cũng không biết xưởng nằm trong danh sách tham quan của festival (?) nhưng chú cũng cho tham quan thoải mái, các chị nhân viên trong xưởng giải đáp các câu hỏi về quy trình sản xuất guốc gỗ ở đây

Theo như thông tin được biết thì ở Bình Dương chỉ có 1 xưởng duy nhất chuyên sản xuất toàn bộ chiếc guốc để đóng hàng xuất khẩu ra nước ngoài. Tụi mình thấy Guốc gỗ cao cấp được các công nhân khéo tay tạo ra đẹp hơn các loại guốc, giày nhựa trên thị trường của Trung Quốc rất nhiều.
Các loại gỗ có vân đẹp sẽ được sơn lớp keo phủ mỏng trong suốt để khoe các đường nét tự nhiên của gỗ, còn các loại gỗ vân xấu thì được khảm sơn mài, tô màu,... để che lại. Đế guốc khắc nhiều hình tinh xảo, lạ mắt như hình mặt người, hình bông hoa, hình cây trúc, ... mặt guốc vẽ hình bông hoa, phong cảnh,... hoặc dán hình chim, bướm, hoa... Quai guốc làm bằng da xịn mềm mại đủ màu sắc. Đế nhựa đóng dày chắc chắn bởi lớp keo xịn.

Chú quản lý cho biết công ty có 1 cửa hàng Hưng Thịnh bán guốc gỗ trên đường Đề Thám quận 1, bữa nào mình sẽ ghé qua & mua ủng hộ. Nghe nói giá xuất xưởng một đôi guốc gỗ chỉ khoảng 100-200k.

Vừa ngắm những đôi guốc tuyệt đẹp mình lại càng tiếc vì sao những sản phẩm tốt của Việt Nam lại tập trung xuất khẩu mà không bán rộng rãi thị trường trong nước. Các chợ, cửa hàng ngập tràn giày, guốc của Trung Quốc người dân khó tìm mua được sản phẩm Việt Nam. Nếu như guốc gỗ Hưng Thịnh được bán ra ngoài đảm bảo nhiều chị em sẽ ủng hộ mua ngay

Những sản phẩm tạo hình nghệ thuật trái cây hoành tráng của các nghệ nhân đến tranh tài trong lễ hội





Buổi trưa đói bụng, 2 đứa tới chợ Búng, ghé bánh bèo bì Mỹ Liên
Lúc đó mình đang rất mệt nên không muốn ăn gì, gọi đỡ vài cuốn chả giò chiên, bạn Mèo thì ăn món bánh bèo bì rồi nên chọn món bún thịt nướng. Lời đồn quả ko sai, ở đây chỉ có bánh bèo bì ngon nhất, còn món bún thịt nướng làm bạn Mèo phải vất vả mới ráng ăn hết nổi. Mình mệt quả chỉ ăn qua loa 2 cuốn chả giò
 Sau gần 2 tiếng nghỉ trưa ở quán cafe Gió và Nước nổi tiếng ở Bình Dương, chịu không nổi màn tra tấn âm nhạc tây ta ầm ĩ vào giờ ngủ trưa 2 đứa kéo nhau đi viếng chùa. Bữa đó là ngày mồng một tháng năm mừ!

Chùa Tây Tạng tọa lạc tại 46B Thích Quảng Đức, xã Chánh Nghĩa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ngôi chùa này được Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là "Ngôi chùa có tượng Bồ Đề Đạt Ma bằng tóc lớn nhất"
Nguyên chùa do ông Hương cả Trượng[2], ở làng Phú Cường, quận Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một (nay thuộc thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), tạo lập nên. Ban đầu, chùa được đặt tên là Bửu Hương tự, thuộc phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Vào khoảng năm 1930, ông Cao Minh và ông Huyện Trương vận động dân chúng tôn tạo thêm. Năm 1937, ông Hương cả Trượng thỉnh Thiền sư Minh Tịnh về trụ trì chùa. Thiền sư đã cho đổi tên chùa thành Tây Tạng tự, đồng thời cho trùng tu lại chùa theo lối kiến trúc kết tâm.

Do Thiền sư Minh Tịnh không truyền dạy Mật tông Tây Tạng cho ai hoặc chỉ hạn chế cho một số ít đệ tử, vì vậy, mặc dù chùa mang nét kiết trúc của Phật giáo Mật tông nhưng các tăng sĩ của chùa vẫn tu tập theo Bắc tông. (nguồn wikipedia)

Ấn tượng nhất là trong chùa nuôi nhiều chim bồ câu, chỗ nào cũng thấy tụi nó bay nhảy đậu khắp nơi, có những con to mập gấp đôi, gấp ba chim bồ câu thường. Chùa Tây Tạng đang xây 1 tòa nhà cao 5 tầng rất lớn, chắc vài năm nữa mới xong.
 Miếu bà Thiên Hậu “Thiên Hậu Cung” mà người dân quen gọi là Chùa Bà-nơi lễ bái quan trọng tín ngưỡng của đồng bào người Việt gốc Hoa trên đất Thủ Dầu Một, Bình Dương. Miếu Bà hiện nay tọa lạc tại số 4 đường Nguyễn Du, thị xãThủ Dầu Một, Bình Dương. Miếu do các ban người Việt gốc Hoa tạo lập để thờ vị nữ thần hiệu là Thiên Hậu Thánh Mẫu. (nguồn: báo bình dương http://www.binhduong.gov.vn/vn/sobannganh_detail.php?id=5448 )
Mình để ý trên mái chùa 1 bên ông cầm chữ Nhật 1 bên có bà cầm chữ Nguyệt
 Ngôi chùa Hội Khánh tọa lạc dưới chân đồi, cách trung tâm thị xã Thủ Dầu Một 500m về hướng Đông, số 35 đường Bác sĩ Yersin, phường Phú Cường, Thị xã Thủ Dầu Một, là một công trình kiến trúc tôn giáo, nhệ thuật lớn nhất tỉnh, được công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia ngày 07/01/1993.
Chùa xây dựng từ thế kỷ XVIII (1741), 1861 chùa đã bị giặc Pháp thiêu hủy. Đến năm 1868, chùa được xây dựng lại ở vị trí hiện nay với diện tích xây dựng 1.211m2. Năm 2007 chùa xây dựng thêm ngôi tháp 7 tầng cao 27 mét và tái tạo lại Phật tích “Tứ động tâm”, gồm có: Vườn Lâm Tì Ni (nơi Phật ra đời), Bồ Đề Đại Tràng (nơi Phật hành đạo), Vườn Lộc Uyển (nơi Phật thuyết đầu tiên), Ta La Song Thọ (đức Phật nhập niết bàn) có ý nghĩa sâu sắc về đạo pháp.

Năm 2008, Phật đài quy mô lớn, cao 22m được xây dựng ở khu đất phía trước chùa. Tầng trệt là dãy nhà chiều dài 64m, chiều ngang 23m dùng làm Trường Phật học, Thư viện … Tầng trên tôn trí đại tượng đức Bổn sư Thích Ca nhập Niết bàn cao 12m, dài 52m. Đây là một công trình mỹ thuật đáng tự hào của Phật giáo Bình Dương, được khánh thành trọng thể vào ngày Rằm tháng Hai năm Canh Dần (30-3-2010) mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. (nguồn: Báo Bình Dương)
Năm 2010, tượng Kỳ Lam Ngọc Phật tại chùa Hội An (Bình Dương) được trao kỷ lục là tượng Phật nhập niết bàn bằng đá saphire lớn nhất Việt Nam. Tượng dài 4,2 m, nặng 35 tấn, được tạc trên khối đá saphire nặng trên 46 tấn từ xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An).
Ngày 31/5/2013, tượng nhận kỷ lục “Tượng Phật nhập Niết bàn trên mái chùa dài nhất châu Á” do Tổ chức Kỷ lục châu Á tại Ấn Độ xác lập.

*** Cảm nhận cá nhân: đứng trước bức tượng Đức Phật trong lòng mình chẳng vui gì cả, từ phía cổng đi vào hai bên treo đầy các cờ phướn, băng-rôn báo tin mừng nhận kỷ lục Châu Á. Đức Phật nằm ngự phía dưới là hai hàng những con lân, tháp canh biểu tượng của Trung Quốc, xen lẫn vào đó là những cây đèn chiếu sáng của Phương Tây. Tượng của Ngài nức nẻ khắp, từ xa nhìn lên đã thấy rõ. Chao ôi, tư duy mỹ thuật kiến trúc lộn xộn, tầm thường chỉ thấy hiện rõ "tham, sân, si" ham mê những tước hiệu hão huyền, phí phạm tiền của mà chẳng có giá trị nghệ thuật truyền thống của Phật giáo Việt Nam gì cả. Than ôi! Nước Việt nghèo, dân Việt nghèo, và tư duy cũng nghèo nữa!

Ra khỏi chùa Hội Khánh, chạy về phía chợ Thủ Dầu Một sẽ đi ngang giáo xứ Chánh Tòa, giáo phận Phú Cường. Từ lúc chạy tìm quán cafe Gió và Nước mình đã thích thú khi nhìn thấy nóc tròn của giáo xứ, trong bụng cứ thắc mắc hổng biết đó là gì. Lúc chạy ngang được ngắm nhìn qua 1 lượt quả thật đẹp!

Chuyến đi du lịch Bình Dương ngắn ngủi của tụi mình dừng chân tại đây, 2 đứa về nhà rất sớm lúc 4g chiều thôi. Do trời nắng gắt nên thực mệt mỏi, dù vậy mình đã trải qua 1 ngày với những khám phá tuyệt vời.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...