Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

Thầy Thế Vinh trường từ thiện nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương tỉnh Bình Dương


Cơ Sở Bảo Trợ Xã Hội Nuôi Dưỡng Trẻ Mồ Côi Và Khuyết Tật Hướng Dương
Thầy Nguyễn Thế Vinh
Địa chỉ số 572, Tổ 18B,  Khu phố 2, Thị trấn Mỹ Phước, Huyện Bến Cát, Tỉnh Bình Dương.
Email:         nguyenthevinh_vn@yahoo.com
Điện thoại:  0650 35 53 661
Điện thoại di động:         0918187975
http://www.huongduong.edu.vn

Nhận hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng
Tên tài khoản: Cơ Sở Bảo Trợ Xã Hội Nuôi Dưỡng Trẻ Mồ Côi Và Khuyết Tật Hướng Dương
Số tài khoản: 004704070000801
Ngân Hàng Phát Triển Nhà – HDBank, TPHCM. Việt Nam


(gameshow Người Bí Ẩn) Thầy Nguyễn Thế Vinh, vẻ ngoài chân thành cùng “nụ cười hiền khô”, lạc quan khi nói về chính mình “46 tuổi chưa ai hành hạ”, hoàn cảnh của thầy giáo dạy toán khiến Vân Sơn, Hồng Đào cũng như Hương Giang và Thanh Duy rơi nước mắt xúc động. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lên 8 tuổi thì gặp tai nạn mất một cánh tay, tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng thầy Vinh đã luôn lạc quan để không chỉ giúp cuộc sống của mình tốt hơn mà còn giúp những hoàn cảnh khó khăn khác.

Thầy Vinh chia sẻ bản thân tự học harmonica và đi diễn ở nhiều nơi, được bạn bè và nhiều người giúp đỡ để duy trì một trường học ở Bình Dương, nơi nuôi dạy hàng trăm trẻ mồ côi và dạy miễn phí cho học sinh thi đại học.
Nguồn: https://thanhnien.vn/van-hoa/nguoi-bi-an-thay-giao-day-toan-lam-ca-truong-quay-roi-nuoc-mat-705647.html


Thầy Vinh của Hướng Dương

Khán giả quen thuộc với một Thế Vinh hiền khô ôm guitar “hát” bằng năm ngón tay, chắc ít biết đến một Thế Vinh chu đáo mà nghiêm túc, cứng rắn trong vai trò một người thầy, một trưởng cơ sở nuôi dạy trẻ.
Đến thăm cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương để chuyển 40 chiếc xe đạp cũ mà những người bạn trên Facebook vừa quyên góp hỗ trợ cho trung tâm, chúng tôi bắt gặp thầy trò Thế Vinh đang lúi húi thiết kế sân khấu cho lễ kỷ niệm một năm ngày thành lập (ngày 25-9).


Bận rộn với công việc của Hướng Dương, nghệ sĩ Nguyễn Thế Vinh vẫn sắp xếp để tham gia các chương trình văn nghệ gây quỹ từ thiện. Từ ngày 13 đến 26-10, anh sẽ sang Nhật biểu diễn gây quỹ cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam tại Thái Bình, theo lời mời của Hội đồng Hòa bình hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam (JVPF).

1. Phải sáng tạo sao cho sân khấu lễ kỷ niệm khác với sân khấu của mùa trung thu vừa rồi là “đề bài” thầy giáo Thế Vinh giao cho các học trò, như một cách anh rèn cho các em những kỹ năng khác ngoài chuyện sách vở... Ngày cuối tuần, Thế Vinh chỉ kịp ăn vội chén cơm để kịp lên lớp lúc 14g. Chia nhau 30 chiếc bàn nhỏ, lớp học chiều 24-9 với hơn 40 em học sinh lớp 11 (trong đó có nhiều em ngoài trung tâm đăng ký học) sôi nổi với những câu hỏi...
Nhìn thầy Vinh xoay như chong chóng từ công việc của người quản lý cơ sở kiêm kế toán, kiêm thư ký, kiêm giám thị đến giáo viên chủ đạo của hàng chục tiết học toán, lý, hóa mỗi tuần, khó ai không khỏi cảm phục. Nhưng kể về mình, về chặng đường dài phía trước với số phận của hàng chục em mà mình tình nguyện làm “đòn bẩy”, Thế Vinh luôn nói bằng giọng nhẹ tưng, hóm hỉnh.

“Ngân hàng Đức Deutsche Bank đã hỗ trợ tiếp tục tổng kinh phí hoạt động của năm tới (gần 1 tỉ đồng cho 43 em học sinh, sinh viên - NV), Hướng Dương không phải đau đầu về tài chính nữa, đó là điều tôi muốn tri ân nhất. Nhưng điều khiến tôi hạnh phúc nhất chính là niềm tin yêu của bè bạn, mọi người. Ngay từ khi tôi chưa có trong tay giấy phép thành lập Hướng Dương, anh em bạn bè đã ủng hộ gần 1 tỉ đồng” - giọng anh đầy lạc quan.

Còn nhớ cách đây một năm, lời nhắn gửi của Thế Vinh: “Tôi đang rất cần vật liệu xây dựng...” (“Tấm lòng của hiệp sĩ một tay” - Tuổi Trẻ ngày 6-4-2010) đã khiến nhiều người không khỏi... hồi hộp cho ý nguyện của anh: thành lập một trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi và khuyết tật chỉ bằng ý chí cứng cỏi của mình, sự động viên của bạn bè, một tờ giấy phép và... một bàn tay trắng. Thế nhưng chỉ sau năm tháng, một trung tâm khang trang nằm ở khu phố 2, thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát, Bình Dương mang tên cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương đã ra đời.

2. Kỳ thi đại học - cao đẳng năm nay, sau một năm luyện ở “lò luyện thi” của thầy Vinh, 16 sĩ tử của Hướng Dương khăn gói đi thi và đỗ cả 16 em (vào ĐH Bách khoa, Sài Gòn, Sư phạm kỹ thuật, Giao thông vận tải...). Kết quả có thể gây bất ngờ với người khác, nhưng với thầy Vinh thì không nằm ngoài dự đoán.

“Trong 16 em, tôi đoán có năm em sức chỉ vào được cao đẳng, cuối cùng tới 14 em đậu đại học, hai em đậu cao đẳng” - anh cười nói. Bên cạnh công việc dạy học đã gắn bó suốt sáu năm, những công tác khác của một người chủ cơ sở nuôi dạy các em như chỉnh đốn nếp sống, hun đúc ý chí, rèn khả năng tự lập... cứ như là kinh nghiệm lâu năm của Thế Vinh, dù anh chỉ mới bắt tay vào làm đúng một năm tròn.

Nguyễn Đình Phi (Tánh Linh, Bình Thuận) - cậu sinh viên bé nhỏ vừa đỗ vào Đại học Sài Gòn - nói về thầy của mình với ánh mắt kính trọng: “Từ ngày vào đây, em thấy mình có ý chí học hành hơn hẳn. Thầy nghiêm lắm, bọn em đứa nào dậy trễ thầy biết ngay, dậy muộn bị phạt rửa chén”.

Quả vậy, sự nghiêm túc, tính ngăn nắp, lòng tự trọng được Thế Vinh rèn cho các em qua từng chi tiết nhỏ trong nội quy sinh hoạt và học tập dài bốn trang giấy A4: không vào phòng khác giới tính, quần áo dơ phải để trong phòng vệ sinh không quá ba ngày, mượn sách phải có phiếu, lên mạng một ngày đúng nửa giờ theo thời gian quy định...

3. Hiện Hướng Dương đang là “tổ ấm” của 43 em học sinh THPT đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau: Bình Dương, Bình Thuận, Quảng Nam, Thanh Hóa... Với mỗi trường hợp gửi hồ sơ xin vào Hướng Dương, Thế Vinh đều đến từng nhà tìm hiểu gia cảnh, gặp gỡ thầy cô giáo chủ nhiệm để nắm kỹ hơn về trình độ văn hóa của từng em.

Học kỳ tới, cơ sở sẽ nhận thêm hơn mười em, nâng tổng số học sinh của Hướng Dương lên 60 em. Không dừng lại ở đó, Thế Vinh dự tính sẽ mở rộng cơ sở để có thể “ôm” được cùng lúc 140 em cần nơi cư ngụ, học hành. 16 em vừa đỗ đại học - cao đẳng, thầy Vinh cũng đã ngược xuôi Bình Dương - Sài Gòn để tìm chỗ ở cho từng em, hầu hết là ở nhà những người bạn thân của anh.

Không có điều kiện ràng buộc gì khi các em ra trường, anh chỉ nhắn nhủ các em phải cố gắng sao để không chỉ tự lo được cho mình mà còn làm được gì đó cho lớp đi sau. Và điều anh mong mỏi nhất ở các em vẫn là “phải thành nhân”.

Cũng vì niềm đau đáu “phải thành nhân” ấy, nỗi lo duy nhất anh nhắc đi nhắc lại trong các câu chuyện luôn là vấn đề giáo dục về nhân cách - lối sống cho các em ở trung tâm. Bởi thế, sau khi trung tâm ra đời, anh đã kịp thành lập tủ sách, lựa chọn và phân loại kỹ từng loại sách, từ sách học làm người đến sách nghiên cứu, sách văn học trong và ngoài nước.

Anh kể tên hàng loạt sách kinh điển mà trung tâm đang cần nhưng chưa có, hàng loạt bộ phim mà anh chủ động liên hệ với Phương Nam Film để có nguồn phim chiếu cho các em vào mỗi cuối tuần. Không chỉ tranh thủ trò chuyện kiểu “tưới tẩm” những triết lý sống cho các em trong những buổi cơm giữa thầy trò, “ông thầy tâm lý” còn dự kiến phải mời chuyên viên tâm lý về trò chuyện với các em trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa...

Mất cha từ năm 4 tuổi, mất mẹ năm 7 tuổi, mất một cánh tay trong một lần đi chăn bò bị ngã... Là người trong cuộc, từng mất phương hướng, từng rơi vào tuyệt vọng cùng cực, Thế Vinh ý thức hơn ai hết về sự khó khăn của người khuyết tật, trẻ mồ côi trong việc hòa nhập với cuộc sống, chưa nói đến tìm một con đường đúng để đi. Vì vậy, mong mỏi các em cùng hoàn cảnh không gặp phải những khó khăn về tâm lý, không phải mò mẫm tìm đường đi như mình ngày xưa, Thế Vinh quyết mở Hướng Dương để, nói như anh - “giúp tụi nhỏ đi nhanh và đi đúng”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/thay-vinh-cua-huong-duong-458023.htm

Chuyện một thầy giáo khuyết tật mở trường nuôi dạy hàng trăm trẻ mồ côi ở Bình Dương
Bước qua hơn nửa đời người, có những lúc tưởng chừng nghịch cảnh đã khiến anh Vinh chùn bước nhưng chưa một lần anh đầu hàng số phận. Từ một đứa trẻ có hoàn cảnh bất hạnh, giờ đây anh đang từng ngày nuôi dưỡng ước mơ cho biết bao số phận bất hạnh khác.
Được sự hướng dẫn nhiệt tình của người dân, chúng tôi tìm đến ngôi trường nhỏ nằm ẩn sâu trong một con hẻm tại thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát, Bình Dương để tìm thầy giáo Nguyễn Thế Vinh. Tiếng chim hót véo von trên những hàng cây xanh mát rượi cùng bầu không khí trong lành và yên tĩnh của ngôi trường khiến chúng tôi trong phút chốc quên đi sự ồn ào của con đường phố thị tấp nập xe bên ngoài kia.
Vừa trở về sau chuyến công tác dài ở miền Trung, anh Vinh lại tất bật với hàng tá công việc của mình với các em nhỏ ở trường. Đón chúng tôi bằng một nụ cười hiền rồi anh lại quay lại mớ công việc dường như chưa bao giờ vơi của mình.

Ngôi trường nhỏ đang ngày đêm nuôi dưỡng ước mơ cho hơn trăm em nhỏ mồ côi và khuyết tật. Từng ngọn cây, từng viên gạch ở đây đều là tâm huyết, là xương máu của người thầy giáo tận tụy này. Thế nhưng để có được ngày hôm nay ít ai biết thầy Vinh cũng đã đi một quãng đường thật dài và thật nhiều những trắc trở.
Bước qua nghịch cảnh để trở thành nghệ sĩ tài năng

Giải quyết xong công việc, thầy Vinh ngồi lại để trò chuyện với chúng tôi về những ngày tháng đã qua, thầy tâm sự: "Tôi lập nên ngôi trường này vì đơn giản tôi đã từng trải qua hoàn cảnh giống các em, thấu hiểu được cảm giác và những khó khăn mà các em đang gặp phải".

Nguyễn Thế Vinh sinh năm 1970, năm 4 tuổi cha của anh mất tích ở chiến trường Tây Nguyên và mãi mãi không trở về, mẹ anh đau đớn đưa các con về ở với ông bà ngoại ở một làng quê nắng cháy thuộc huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.
Cuộc sống vất vả đè nặng lên đôi vai người mẹ trẻ, có lần anh Vinh nghe mẹ nói với ông ngoại rằng bà muốn chết đi vì biến động của cuộc đời. Rồi một buổi sáng, khi anh vừa ngủ dậy, bỗng nghe tiếng mẹ kêu thất thanh: "Ba ơi! Con chết đây... Con ơi! Mẹ đi với ba các con đây...". Cả nhà chạy ra thì thấy mẹ đã ngã gục bên cạnh chai thuốc rầy, năm đó anh Vinh vừa lên 7 tuổi.

Nhà ngoại nghèo, ông ngoại anh Vinh đã nhận thêm 2 con bò của hợp tác xã về nuôi. Bi kịch tiếp nối bi kịch, trong một lần đi chăn bò thì cậu bé Vinh đang học lớp 3 bị té từ trên lưng bò xuống đất. Nhà nghèo, bệnh viện ở xa, nhưng vì chữa trị không đúng cách nên cánh tay bị hoại tử. Bệnh viện Phan Thiết đành phải cắt bỏ cánh tay phải của anh Vinh. Bi kịch chưa dừng lại ở đó, vài năm sau, đến lượt anh trai của Vinh cũng theo người mẹ.

Những nỗi đau cứ liên tiếp kéo đến, thế nhưng thời điểm đó anh Vinh còn quá nhỏ để cảm nhận được hết những mất mát ấy. Phải đến khi vào cấp hai, chàng trai nhỏ mới bắt đầu cảm nhận được nỗi buồn, nỗi cô đơn khi không còn nhiều những người thân bên cạnh.
Và âm nhạc đã xuất hiện trong cuộc đời anh Vinh như một cứu cánh kỳ diệu. Năm 13 tuổi, người cậu ở xa về đem theo một cây đàn, ông đánh đàn và hát, lũ trẻ con quây quần, nhiều đứa lắng nghe đến ngủ quên trên gối ông, chỉ có Vinh nghe mải miết. Ngày hôm sau, anh nằng nặc đòi cậu dạy cho Vinh chơi đàn, nhìn cánh tay còn lại của Vinh, người cậu chỉ biết lắc đầu...

"Tôi loay hoay thử đủ cách, dùng chân thẻ hương cột vào ống tay cụt, rồi lấy ống nhôm một đầu lồng vào ống tay cụt, đầu kia cắt gọt thành hình móng tay để gảy, mất công, đau mỏi ê ẩm cả người nhưng chẳng kết quả" - anh Vinh kể.

Anh nói tiếp: "Sau mới nghĩ: mình một tay, sao cứ phải cầm đàn theo cách thiên hạ, tôi bèn xoay ngược bàn tay, dùng ngón trỏ để gảy". Và thế là sau 3 năm trời khổ luyện cuối cùng anh chàng cũng đàn được bài đầu tiên.
Mái trường nhỏ nuôi những ước mơ xanh

Vốn luôn ấp ủ ước mơ trở thành một thầy giáo, nhưng vào những năm trước trường sư phạm không nhận sinh viên khuyết tật, vì thế anh Vinh đành theo học ngành kinh tế. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh chàng làm ở nhiều nơi nhưng không phù hợp, cuối cùng anh lại quay về với công việc ôn thi đại học cho học sinh.
Sau nhiều năm giảng dạy, anh Vinh dành dụm được một số tiền và ấp ủ kế hoạch mở một ngôi trường cho các em nhỏ mồ côi và khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. "Ban đầu tôi dự định chỉ mua cột dựng nhà gỗ rồi nhận các bé mồ côi, khuyết tật về nuôi ăn học bằng chính số tiền dạy luyện thi đại học của mình. May mắn lúc trung tâm thành lập được một ngân hàng tài trợ một tỷ đồng mỗi năm nên có điều kiện mở rộng hoạt động" - anh Vinh chia sẻ.
Sau một năm nghiên cứu kỹ lưỡng, năm 2010 anh Vinh khai trương ngôi trường mang tên Hương Dương tại huyện Bến Cát (Bình Dương) và nhận nuôi 14 em học sinh đầu tiên. "Thời gian đầu, một mình tôi phải tự quán xuyến tất cả các công tác ở trường, một mình dạy hết tất cả các môn cho các em, có vất vả nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi với những công việc mà mình đang làm" - anh Vinh tâm sự.
Theo dõi các thông tin trên báo chí, anh Vinh thường chọn lọc những em có hoàn cảnh thật sự khó khăn, sau đó đến từng nhà để gặp gỡ và "năn nỉ" người thân để các em vào trường học. Thường thì anh sẽ tranh thủ thời gian cuối năm để đi đến nhà các em có khi tận miền Trung, miền Bắc để thuyết phục các em về trường học tập.
Các em nhỏ sẽ ở nội trú tại trường, hằng ngày sau khi đi học ở trường bên ngoài, các em trở về trường Hướng Dương để được phụ đạo nâng cao thêm các môn toán, lý, hóa. Mọi chi phí học tập, sinh hoạt trường sẽ chu cấp hoàn toàn. Công việc chính của các em là học tập thật tốt.

Anh Vinh chia sẻ thêm: "Ở trường Hướng Dương, ngoài dạy kiến thức, chúng tôi còn chú trọng dạy kỹ năng và đạo đức. Chúng tôi không ép các em phải học thật giỏi, vì mỗi em có mỗi khả năng riêng. Điều mà tôi luôn mong là các em sẽ có thể tự lập và trưởng thành để trở thành một người có ích".
Sau 6 năm hoạt động, hiện tại trường đang nuôi dạy 114 em học sinh, đã có 70 em đã tham gia kỳ thi đại học quốc gia, trong đó có 63 em đỗ đại học, 7 em đỗ cao đẳng. Ngoài ra anh Vinh còn tạo điều kiện cho 26 em sang Nhật, 1 em sang Mỹ, 1 em sang Úc để du học.

Khi chúng tôi hỏi về tương lai, anh Vinh cười tươi tâm sự: "Đến khi nào tôi không còn đủ sức khỏe để làm công việc này nữa thì sẽ có các em học sinh tâm huyết trở về để tiếp nối. Tuy nhiên điều đó hoàn toàn là tự nguyện, tôi không hề ép buộc các em phải trở về. Các em có nhiều cách để giúp thế hệ sau, nhưng quan trọng nhất vẫn là tấm lòng".
Nguồn: http://kenh14.vn/chuyen-mot-thay-giao-khuyet-tat-mo-truong-nuoi-day-hang-tram-tre-mo-coi-o-binh-duong-20160726004221532.chn

1 nhận xét:

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...