Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Phân biệt nghĩa Hán Việt từ TÁI - SONG - TRÙNG

Tối nay giở quyển sách cũ ra đọc, học lại kỹ hơn những từ vựng Hán Việt. Khi đọc sách báo thường lười suy nghĩ kỹ ngữ nghĩa khác nhau của những từ này, giờ mới giật mình, ráng nhớ để viết bài chính xác hơn.

TÁI

TÁI là lần thứ hai.
Tái khác song ( hoặc )và trùng(): song sinh là sinh đôi, tái sinh là sống lại nhưng ở một kiếp khác

Kiều nói với Kim Trọng: Tái sinh chưa dứt thương thề, Làm thân trâu ngựa đề nghì trúc mai (707-708), tức kiếp tái sinh nguyện làm trâu ngựa.
Trái lại Kiều nói với người cứu mình khỏi chết đuối là Giác Duyên: Trùng sinh ơn nặng bề trời (3049) tức sống lại lần nữa ngay ở kiếp này.
Một ngôi đền được dựng lên là được kiến tạo, kiến là dựng trong kiến trúc. Nó được tôn tạo khi sửa chữa cho tôn quý hơn. Nó được tái tạo khi được xây dựng khác trước. Còn khi nó được sửa chữa lại cho hệt như cũ là trùng tu (x. trùng).
Nói chung TÁI tạo nên những động từ theo kết hợp ngược.
TÁI chỉ sự lặp lại của một hành động lặp lại ở một thời gian khác, trong những hoàn cảnh khác:
Tái hồi : quay về (* trở về lần nữa)
Tái bản: xuất bản lại
Tái đăng: đăng ký
Tái giảng: giảng dạy
Tái hợp: sum họp
Tái lập, tái ngộ: gặp
Tái kiến: thấy
Tái nhiễm: nhiễm bệnh
Tái phạm: phạm tội (* làm điều lỗi lầm nữa)
Tái phát: phát ra
Tái tạo: sáng tạo
Đàn bà tái giá là đi lấy chồng lần hai (* lấy chồng lần nữa sau khi chồng cũ chết)
Tái diễn, tái chiến
Tái lai là trở lại lần nữa.
Tái cử là trúng cử lần hai (* được đưa lên lần nữa, được bầu lên lần nữa)
Tái tư là suy nghĩ lại
Tái xuất là xuất hiện lần hai
Tái hiện là thể hiện lại bằng nghệ thuật một việc đã xảy ra trong thực tế
Tái ngũ là trở lại hàng ngũ quân đội
Tái bút là bức thư đã viết xong thêm vài dòng để nhắc nhở
Tái thẩm là thẩm tra lại (*xét lại vụ án lần nữa)
Tái thế là quay trở lại thế gian sau khi đã chết
Tái thuyết là lại nói về
Tái phân là chia nhỏ lại hơn nữa sau khi đã chia lần đầu
Tái ngụ là ở trọ lần thứ hai ở một nơi nào
Tái cấp là cấp lại

* chú thích trong Từ điển Hán Việt , Nguyễn Tôn Nhan, NXB Từ điển Bách khoa 2003

(Trích trang 286-287, Mẹo giải nghĩa từ Hán Việt và chữa lỗi chính tả, Phan Ngọc, NXB Thanh Niên Hà Nội 2001)
Kết thúc bài viết này, mời các bạn nghe danh ca Đặng Lệ Quân hát bài HÀ NHẬT QUÂN TÁI LAI (ngày nào chàng trở lại)
p/s: tình cờ search tìm lời bài hát Hà Nhật Quân Tái Lai, đọc thấy bài viết của bác Phạm Xuân Hy ghi lại hồi ức thời nhỏ, từng dòng chữ như cuốn phim quay chậm lại quá khứ chuyện một cậu học trò nhỏ mới có những rung động trong trẻo đầu đời, vì vậy tôi copy qua blog để sau này đọc lại mỗi khi học nghĩa từ TÁI

From: Phan Le
Sent: Tuesday, March 18, 2014 10:51 PM
Subject: [MTTL] HÀ NHẬT QUÂN TÁI LAI - Phạm Xuân Hy


Phạm Xuân Hy
HÀ NHẬT QUÂN TÁI LAI
何 日 君 再 來
(Bao giờ mình trở lại)
Em mười hai tuổi tìm theo chị
Hòang Cầm
« Hà Nhật Quân Tái Lai –Bao giờ mình trở lại »
Là tên một bài hát nổi tiếng bằng chữ Hán, mà tôi thường vô ý thức nghêu ngao hát « nhái » mấy câu tiếng Việt, lúc còn là một cậu học trò trường làng, mười một mười hai tuổi, cách đây mấy chục năm :
Em lấy chồng sao em không nói,
Để anh theo anh ghẹo em hòai
Cũng như nhiều đứa trẻ cùng trang lứa với tôi lúc bấy giờ, chúng tôi vẫn thường đem lời hát này ra để trêu đùa những cô gái cùng xóm với mình.Âm điệu của câu hát này này cho đến bây giờ, tuổi đời tôi đã ra ngoài thất thập cổ lai hy rồi, vẫn như còn, lãng đãng sống trong trí nhớ của tôi, kèm theo với một kỷ niệm đẹp thời thơ ấu của một chú nhóc con, ôm mộng mị, mê say cái nhan sắc của một bậc liền chị hàng xóm, lớn hơn mình năm sáu tuổi.
Tôi còn dám cả lòng mạo muội mượn lời hát đó để “tỏ tình” một cách láo lếu. Nhưng.Tôi may mắn đã không bị ăn một cái tát tai nào, mà ngược lại, trở thành người thân quen được sang chơi hàng ngày với chị.Tôi đem những những truyện xã hội như Nửa Chừng Xuân, Gánh Hàng Hoa, Đọan Tuyệt, Những Đồng Tiền Xiết Máu, đổi cho chị lấy những truyện võ hiệp, trinh thám, như Bồng Lai Hiệp Khách, Giao Trì Hiệp Nữ, Đoan Hùng, Lệ Hằng, Người Nhạn Trắng …Tình cảm giữa tôi và chị mỗi ngày một thêm thắm thiết, thân ái hơn.Tôi tìm được nơi chị nguồn an ủi những khi tôi cô đơn, bị bè bạn họ hàng hắt hủi bỏ rơi.
Tôi đem những bài học ở nhà trường ra thuật lại với chị để nhờ chị chỉ bảo.
Chị kể cho tôi nghe về gia đình chị.Về những ngày phải chạy đi tản cư ở những vùng quê.Hết làng này qua làng khác.Cha chị bị người ta bắt mang đi mất tich.Nghe nói ông bị người ta nghi ngờ là có quen biết với những người ở đường Quan Thánh Hà Nội.
Mẹ góa con côi, hai mẹ con chị phải cực khổ, vất vả lắm mới tìm được đường “rinh tê vào tề”.
Ngày chị bỏ làng tôi hồi cư về Hà Nội.”Tình yêu” thơ dại của tôi chưa biết khóc, nhưng trong lòng tôi thì buồn vô hạn.
Tôi hỏi :
-Bao giờ chị trở lại ?
Tôi không ngờ rẳng, đó lại chính là nghĩa của câu hỏi của chữ nho : “Hà Nhật Quân Tái Lai 何日君再 – Bao giờ anh trở lại”, lại chính là đầu đề của bài hát mà tôi đã dùng để “tỏ tình” với chị hôm nào.
Chị im lặng.Kéo tôi vào lòng, vỗ về an ủi :
-Chị đi vài tháng thì chị lại về.
Lần đầu tiên tôi cảm thấy hơi ấm phát ra từ cơ thể của một người khác phái lan sang người tôi.Tôi vừa bối rối.Vừa lung túng.Tôi không phân biệt nổi cảm giác đó ra làm sao.Nhưng im lặng.Một thứ cảm giác không tên làm tôi không muốn rời xa chi nữa.Phải chi, tôi cũng có tài làm thơ, như thi sĩ tài hoa Hòang Cầm, thì tôi cũng có được một bài thơ hay rồi đấy nhỉ.
Rồi hiệp định Genève, đất nước chia đôi.Tôi theo mẹ vào Nam.Trải qua nhiều thăng trầm dâu biển, với biết bao vật đổi sao dời.Lời hứa hẹn vài tháng của chị đã trở thành biền biệt. Mãi mãi.Hòang hạc nhất khứ bất phục phản.Nhưng người đi để lại hình bóng.Tôi không có cơ hội nào gặp lại người chị láng giếng năm xưa ấy nữa. Còn hình bóng chị thì mãi mãi vẫn là một tiên nữ hiền lành, khi ẩn khi hiện trong chân trời thơ ấu mang nhiều bất hạnh của tôi.
“Vàng bay mấy lá năm hồ hết”.
Thời gian thấm thoắt trôi nhanh, nhẹ như mấy chiếc lá vàng rơi.Mới đấy mà đã gần hết năm rồi.Tôi từ một đứa trẻ thơ dại, nhà quê, chớp mắt, nay cũng đã trở thành một lão già hủ lậu, Mỗi khi chiều tà nắng tắt, chợt nhớ lại chuyện cũ, lòng tôi như vẫn còn vấn vương lưu luyến chút hương xưa, đành chỉ ngậm ngùi, hát âm thầm một mình:
“Cô láng giềng ơi ! Không biết cô còn nhớ đến tôi …”.
Họăc ngâm ngợi câu thơ của Hòang Cầm mà tôi lấy làm tương đắc:
“Em mười hai tuổi tìm theo chị”
Còn nếu quả như có “tam sinh hữu hạnh”, tôi xin nguyện làm viên đá mốc rêu nằm bên dốc cầu chờ chị khi tái sinh đi qua đó.
Hà Nhật Quan Tái Lai du nhập Việt Nam vào năm nào?
Như đã trình bầy ở trên, khi hát mấy câu :
Em có chồng sao em không nói,
Để anh theo anh ghẹo em hoài
Tôi cũng như những người bạn đồng trang lứa lúc bấy giờ, tôi chỉ hát một cách vô thức, khônhg mang một chủ ý nào.Việc « tỏ tình » với người liền chị hàng xóm năm xưa, là một việc thầm kin riêng tư đến sau này của mình tôi mà thôi.Cũng như lớp trẻ con sau năm 1975, chúng thường bảo nhau nghêu ngao hát « nhái » một bài hát rất thịnh hành của Trịnh Công Sơn ngày trước đó:
Từ Bắc vô Nam tay cầm cái roi
Tay kia cầm sợi dây để bắt con cầy.
Tuổi thơ nào cũng đều vô tư và giống nhau như thế cả.
Do đó, tôi không hề đặt câu hỏi về xuất xứ của câu hát này, và bài “Hà Nhật Quân Tái Lai” này đã du nhập vào Việt Nam vào năm nào.Đây là một câu hỏi không dễ trả lời.Cũng may, tôi được ông bạn già vong niên, thường “dạo gót sen” với tôi trên con phố ở quận 13 mỗi buổi sáng, cho tôi biết là đã từng được nghe bài “Hà Nhật Quân Tái Lai” vào đầu thập niên 1940, khi đó ông còn trẻ, lúc ông mới bước chân vào ngưỡng cửa Thành Chung.
Thời bấy giờ, bài hát này khá thịnh hành trong các vũ trường, hộp đêm.Ông còn nhớ được, tuy không chắc chắn đầy đủ, lời tiếng Việt của bài hát đại để này như sau :
Bao Giờ Anh Trở Lại
Đi để lại hình bóng
Gợi nhớ thương dào dạt trong lòng,
Em nhắn nhủ thời gian
Đem đến trả tình quân
Ai biết chăng êm đềm gió thu
Ai biết cho lòng em âu sầu
Như lá thu vàng vừa rơi
Lướt trên hồ đằng xa
Còn mong sẽ có một tương lai nữa nhỉ
Giữ duyên khỏi phai
Mai kiếp phong trần lôi kéo đời
Em nhắn nhủ tình quân
Đi lại một kỳ tới xuân
Dĩ nhiên, chắc chắn đây không phải là lời dịch của bài “Hà Nhật Quân Tái Lai”, nhưng ý và lời Việt của bài hát này cũng mang đầy tính lãng mãng như lời của nguyên bản.Ca từ cứ như quấn quýt quện vào nhau, không rời.Nói lên được sự quyến luyến triền miên của người con gái trước lúc chia tay từ giã người tình.Đúng là :
”Nhất cú ly ca nhất độ sầu-一句离歌一句愁”
Bài viết mua vui này, viết để trả lời câu hỏi của người bạn già bát thập.Tóc bạc. Và để tạ cái tình của ông đã “khởi động” cho tôi, nhớ lại một kỷ niệm về một câu hát của thời thơ ấu năm xưa.
Paris, ngày 14-1-2011-Lúc 11h 20-Phạm Xuân Hy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...