Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2008

“Đại phẫu” cải lương: Khán giả ngày xưa còn đâu?


Bài viết đề cập về 1 vấn đề mà mình bức xúc từ lâu thói vô kỷ luật của người dân Việt Nam, thực ra, không chỉ khán giả bình dân mà cả những người tự xưng là trí thức cũng thế

Đọc hồi ký của nhà báo Trần Tấn Quốc để biết được một chi tiết thú vị, mỗi khi ông đi xem hát, ông đều vận một bộ complete thật trang trọng, dù đó là buổi chiêu đãi ký giả vào thời điểm buổi trưa nắng hay buổi tối mùa hè oi bức đến nóng rang người, ông vẫn xuất hiện đường hoàng như thế. Nhiều NS hỏi vì sao? ông cười trả lời: "Tôi tự trọng tôi trước khi đòi hỏi người khác tôn trọng mình. Trên sân khấu các bạn diễn, bên dưới khán phòng tôi ngồi xem, thái độ tôn trọng của người xem sẽ làm tăng thêm hưng phấn biểu diễn của các bạn. Do vậy mà tôi luôn đến rạp với sự trang trọng đúng theo nguyên tắc của riêng tôi"

Nhắc lại câu chuyện trên của nhà báo lão thành Trần Tấn Quốc - cha đẻ của giải thưởng Thanh Tâm từ năm 1958 đến 1968 để thấy giá trị của một bộ phận cấu thành đêm diễn đang bị bào mòn bởi sự dễ dãi. Ai cũng biết một vở diễn nếu không có sự hiện diện của khán giả thì xem như suất hát đó thất bại. Tác phong người xem nhiều năm qua đã phần nào ''xuống cấp'' theo sự suy yếu về mặt chất lượng nghệ thuật mà chúng ta đã mổ xẻ trên các số báo trước. Tôi có một anh bạn sống ở Hàn Quốc 12 năm, khi vào xem cải lương tại rạp Hưng Đạo đã ngạc nhiên khi nghe Ban tổ chức yêu cầu không sử dụng điện thoại di động, không ăn quà vặt, không quay máy camera cá nhân, không tặng hoa trong lúc các nghệ sĩ đang biểu diễn và không kèm trẻ em dưới tuổi. Thế nhưng khán phòng vẫn nhan nhản những điều mà Ban tổ chức đã đề nghị. Bên cạnh anh bạn tôi vẫn có hai chị khán giả hồn nhiên ăn khô mực, bắp nấu, phía trên có một anh hút thuốc, phía dưới có một cậu bé hồn nhiên nghe điện thoại, hét lớn lên để người bên kia nghe được giọng nói của mình. Than ôi lại còn có những đóa hoa bất chấp diễn viên đang diễn vẫn được đưa lên sân khấu một cách thản nhiên và rồi máy quay phim cá nhân, máy điện thoại có chế độ ghi hình vẫn hoạt động đều đặn. Bạn tôi đã liếc nhìn anh bảo vệ đang đứng cuối khán phòng, nhưng anh vẫn thản nhiên nói cười với cô bạn gái, chẳng quan tâm gì đến sự việc chung quanh. ở Hàn Quốc và các nước tiên tiến, những quy định trên được ghi cụ thể phía sau vé. Nhân viên bảo vệ khán phòng sẵn sang mời khán giả nào vi phạm ra khỏi rạp để không làm ảnh hưởng đến người chung quanh. Còn ở Việt Nam, dù có in trên vé những dòng nội dung cụ thể, chi tiết nhưng những hiện tượng này vẫn lập đi, lập lại một cách thường nhật. Ở Thái Lan, khi vào rạp xem nghệ thuật múa, du khách mặc quần đùi hoặc áo thun ba lỗ, lập tức được nhân viên soát vé mời về nhà thay trang phục hoặc những gói bánh, bịch kẹo lỡ mua vẫn được niêm yết bên ngoài, chờ sau suất diễn gửi lại khán giả.

--->>> rạp hát không bắt buột khán giả thực hiện nên họ không tôn trọng nội quy

Trong hồi ký của nhà báo Trần Tấn Quốc, ông phân tích rất rõ hiện tượng khán giả đến rạp vào cuối tuần hoặc các ngày thứ trong tuần đều chứng tỏ trình độ văn hóa nhất định. Nếu đi nhà thờ người ta ăn mặc thật đẹp để bày tỏ tấm lòng tôn kính thì đến rạp hát với áo dài (phụ nữ), com- plete cà-ra-vát (nam giới) là để thể hiện trình độ văn minh nơi công cộng. Khán giả sân khấu cải lương ngày xưa đa phần là trí thức với nhiều ngành nghề như: bác sĩ kỹ sư, nhà giáo, công chức... Ngay cả hàng vé ''cá kèo'' trên lầu hoặc những vé cánh gà, người lao động thời đó đến rạp vẫn ăn mặc lịch sự, không quá ''mát mẻ'' như ngày nay và thái độ xem nghệ thuật cũng hết sức trọng thị.

---->>> 1 số người ăn mặc lịch sự nhưng hành vi chưa đúng, không tôn trọng kỷ luật nơi công cộng

Phải chăng đã xuất hiện sự kỳ thị?

Bên cạnh những vấn đề mà chúng ta đã mổ xẻ nhiều số báo liên tiếp, trình độ khán giả phản ảnh thực tế một đêm diễn. Có nghệ sĩ cho rằng ''môi trường quyết định hành vi''. Cải lương khi xuất hiện trên sân khấu Nhà hát TP qua các chương trình: Tự Tình quê hương, Cội nguồn Việt, Liveshow show Lệ thủy,ThanhThanhTâm,Thanh Sang, Thanh tuấn, Vũ Luân, Quế trân,... đã phần nào phản ảnh sự trang trọng, lịch lãm và khán phòng bao giờ cũng ấm áp sự trân trọng của người xem. Bởi, nhân viên Nhà hát TP khét tiếng là khó tính, khi trong khán phòng có tiếng trẻ em khóc hoặc tiếng chuông điện thoại, thì những tà áo dài nhã nhặn đến tận nơi yêu cầu khắc phục ngay tình trạng làm ảnh hưởng đến suất diễn. Nội dung ở nơi công cộng được đặt ra phải được kiểm tra và bảo đảm tính khả thi như thế mới góp phần nâng cao giá trị thẩm mỹ nơi người xem thông qua một suất diễn.

--->>> phải nghiêm chỉnh như vậy mới đúng

Một số khán giả đã bày tỏ thái độ khi đến xem các chương trình nghệ thuật cải lương tại rạp Hưng Đạo khi mà sự ồn ào, mất trật tự của một số khán giả đã khiến những người có nhu cầu chính đáng đến rạp thướng thức nghệ thuật cảm thấy ái ngại. Một cô khán giả gặp chúng tôi đã phản ảnh: ''Tôi ngồi ở hàng ghế số 7 dưới nhà, ngay mép lan can của dãy ghế hang A trên lầu, đang xem ngon lành tự dưng có người nhổ nước bọt xuống đầu mình. Thật là khó chịu biết bao''. Hoặc một số khán giả là lan của nghệ sĩ A, hùa nhau ghét nghệ sĩ, chỉ muốn nghệ sĩ hát với nghệ sĩ C, thế là suốt suất diễn cứ ngồi nói xấu nghệ sĩ, mặc những người chung quanh bị tra tấn''. Khâu trật tự kiểm tra của rạp hát nếu quá yếu sẽ gây ảnh hưởng xấu đến suất diễn và làm những khán giả yêu thích cải lương tự dưng phai nhạt dần niềm đam mê của mình vì họ không được tôn trọng lúc xem nghệ thuật. Tôi chưa dám khẳng định đó là sự kỳ thị của đối tượng khán giả sang trọng đối với khan giả bình dân, vì tiền nào của nấy, vì loại sản phẩm nào thì bao bì và khâu tiếp thị khác nhau. Nhưng nói như thế vẫn chưa công bằng với sàn diễn cải lương, vì bộ môn này sinh ra và lớn lên từ quần chúng, nên nó gần gũi với người lao động, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân. Song, không phải cứ nghèo là hèn, túng thiếu là kém tử tế, mà cải lương phải thực sự góp phần nâng cao nhận thức và làm đẹp cho cuộc sống.

Đổ lỗi cho khán giả là việc làm không phải trong cuộc đại phẫu này, nhưng qua đây để khẳng định một thực tế cần phải nhìn thấy một cách thấu đáo, đó là mọi khâu tổ chức biểu diễn, tiếp thị và chăm sóc khách hàng của sàn diễn cải lương chưa đủ tiêu chuẩn để tồn tại trong thời hội nhập. Tôi cho rằng sân khấu ca nhạc, thời trang, kịch nói đã làm được từng bước sự tiếp thị và chăm sóc khách hàng hết sức khoa học. Chỉ cần một tấm bướm được in sạch đẹp gửi qua đường bưu điện, hoặc một tin nhắn đến những số máy của khan giả yêu cải lương, sẽ là dịp để người xem cảm thấy họ có sự đồng cảm từ nhà tổ chức.

Xem ra trước nhu cầu cần thiết để cùng xây dựng bộ mặt sân khấu sàn diễn cải lương ngày càng văn minh, tiên tiến, chúng ta còn phải đối diện với nhiều khó khăn mà trước mắt là hình thành ý thức từ phía cộng đồng cũng như từ phía văn nghệ sĩ, nhà tổ chức.

Nhà báo lão thành Trần Tấn Quốc đã viết: ''Muốn trách người ắt hãy trách ta trước''. (Tiên trách kỷ hậu trách nhân) Vâng, trong việc góp phần nâng cao giá trị thẩm mỹ trong thưởng thức nghệ thuật, trả đúng uy quyền của chiếc ngai vàng mà thượng đế (người tiêu dùng) đang sở hữu chúng ta - những nhà tổ chức và nghệ sĩ đã có lỗi một phần.

Nguyễn Văn Khánh

ngocanh (Theo Báo sân khấu)

http://www.cailuongvietnam.com/modules.php?name=News&op=viewst&sid=4744


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...