Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2008

Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga - Cô Ba kẹo kéo


Trong nhà, Thanh Nga thứ ba (bà là em nghệ sĩ Hữu Thìn - cha nghệ sĩ Hữu Châu), mọi người gọi là cô Ba kẹo kéo. Thật ra không phải tính Thanh Nga “kẹo kéo” (hà tiện), bởi bà vốn giống mẹ, có tính thương người, sẵn sàng san sẻ phấn son trang điểm cho người khác, rảnh thì lại tự tay may trang phục cho diễn viên phụ… Nhưng có biệt danh như vậy là bởi tính bà đơn giản, không tiêu xài tiền bạc phung phí.

Thanh Nga có mái tóc dài đến nhượng chân. Bẩm sinh bà vốn rất chú ý giữ gìn hình ảnh bên ngoài. Năm 18 tuổi, trong một cuộc phỏng vấn, được hỏi sợ điều gì nhất thì cô đào trẻ tuổi Thanh Nga trả lời là “sợ thời gian nhất”. Thời gian bào mòn đá, bào mòn trí nhớ, bào mòn cả nhan sắc... Quý trọng vẻ đẹp, Thanh Nga còn yêu mái tóc của mình đến nỗi theo tục, người đã chết thì phải cắt cụt tóc để gia đình tránh cảnh rối ren, nhưng Thanh Nga một mực dặn dò người thân, nếu bà chết thì đừng cắt tóc. Bà đã nghĩ đến lúc chia lìa cõi đời bằng niềm nuối tiếc cái đẹp.

Thương mái tóc mình vậy, nhưng chưa bao giờ bà chịu ra tiệm gội đầu. Bà chỉ ở nhà, bắc ghế đứng cao rồi nhờ con cháu xối nước để gội đầu, tự tay mình chăm sóc mái tóc. Móng chân, móng tay bà cũng tự tay chăm sóc, cắt giũa. Thèm món gì bà cũng chỉ kêu mẹ nấu. Thành ra, người nhà gán cho bà biệt danh
cô Ba kẹo.

Cô Ba không mặn xài tiền, cô Ba cũng ít “gần gũi” với tiền, có bao nhiêu tiền bạc bà đều để cho mẹ là bà bầu Thơ quản liệu. Người nhà kể, tất cả đồ nữ trang bà để ở phòng mẹ. Khi có tiệc, cô Ba mới ghé phòng mẹ lấy đeo, tàn tiệc trả lại. Sân khấu, màn bạc, công chúng khán giả hâm mộ vây quanh, nghệ sĩ Thanh Nga sống trong muôn ánh hào quang, nhưng về nhà cô Ba rất bình dị, chưa bao giờ thu vén chút của cải hay tư trang nào cho riêng mình.

Sau Tết Mậu Thân 1968, phần vì kép hát, người viết tuồng bị lệnh động viên, phần vì phim chưởng Tàu bành trướng... đâm ra chuyện hát xướng gặp nhiều khó khăn nên đoàn Thanh Minh - Thanh Nga rã đám. Lúc thất nghiệp, không chịu ngồi yên, cô Ba ra tay xoa bột bày trò làm bánh còng, bánh cam, xi rô, sữa chua, chè... bán buôn tá lả. Bị mấy đứa em trong nhà phụng phịu phản đối với lý do chỉ đi học thôi đã đủ... mệt, cô Ba liền nhỏ nhẹ an ủi: Chị làm thế này là để dạy các em biết bán buôn đặng sau này lỡ nhà có gặp khó thì cũng biết đường mà sống”. Dặn bầy em vậy chứ cô Ba đâu chí thú sự nghiệp bán buôn này cho lắm. Cô thử sức trên màn bạc, rồi lại trở về với cải lương: Bên cầu dệt lụa, Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga... Cô sang cả lộng lẫy, được phong tặng Nữ hoàng sân khấu, nhưng ở nhà vẫn chết tiếng là cô Ba kẹo, bởi câu chuyện bắt đàn em trong nhà ôm rổ bánh đi kiếm tiền lẻ hồi xưa.

Năm 1975, bà bầu Thơ tái lập đoàn Thanh Minh - Thanh Nga. Bà trả lương cho vợ chồng Thanh Nga - Phạm Duy Lân mỗi tháng 45 đồng.

Đó là lần đầu tiên trong đời Thanh Nga được... nhận lương. Về nhà, bà đưa tiền rồi nói với chồng: “Em đưa cho bố tiền này, mỗi tuần bố đưa cho em hai đồng để em bỏ ống. Đợi tới mùa sầu riêng em sẽ đập ống ra mua ăn”. Lúc đó Thanh Minh - Thanh Nga vẫn mở màn diễn nên không thể nói là Thanh Nga đang khó khăn.

Không phải lưu tâm chuyện tiền bạc, Thanh Nga dồn hết tâm trí cho sân khấu. Thanh Nga luôn có cách trang điểm nhẹ nhàng, tự nhiên. Bà quan niệm rằng nếu trang điểm cầu kỳ quá thì khán giả chỉ chú mục vào phục sức, trong khi ý bà muốn khán giả phải tập trung vào phần diễn xuất. Bà cũng có cách riêng để gìn giữ vẻ đẹp của mình trên sân khấu, như có lần kêu em gái đến ngồi trước bàn phấn rồi dặn nghề: Em cười đi, nhưng trước khán giả thì phải cười sao cho đẹp. Còn nếu em diễn khóc thì vẻ mặt cũng đừng nhăn, buồn thì cũng không chau mày, vì như vậy sẽ làm mặt xấu. Em phải diễn bằng đôi mắt. Em không thay đổi nét mặt mà khán giả vẫn biết em khóc, em buồn...”.

Ở nhà, Thanh Nga thích ăn trái cây, thích búp bê, thích dầu thơm. Bà có cả một tủ búp bê, một tủ dầu thơm, đi đâu cũng sưu tầm những món đồ ưa thích ấy. Tâm hồn bà bình dị, thích cái gì đẹp nhưng cũng nhẹ nhàng, thuần khiết, mong manh như mùi hương, như con búp bê của tuổi ấu thơ.

Một sở thích khác của Thanh Nga là xem phim vua hề Sạc-lô (Charlie Chaplin). Trong nhà có một máy chiếu phim 16 mm, cuối tuần nào bà cũng gọi đám em đến xem Sạc-lô. Trong khi đám em đã ngán đến tận óc thì lần nào xem bà cũng hân hoan, hào hứng cười với Sạc-lô y như lần đầu. Người nhà của Thanh Nga quả quyết rằng trong cách diễn xuất của em trai bà, NSƯT Bảo Quốc, có những nét phảng phất phong cách của vua hề Sạc-lô cũng do bị “lậm” từ vô số buổi chiếu phim cuối tuần của bà chị Thanh Nga.

Có những lần đi hát vùng xa, trong những đêm thanh vắng, khi mọi người trong đoàn hát đã mỏi mệt ngủ say không còn ai trò chuyện, người ta lại bắt gặp Thanh Nga ngồi ghép tên những cửa hiệu bên đường để hát thành bài. Nếu một lần trong đời bạn bắt gặp một người có thể ngồi ghép tên những cửa hiệu thành bài hát, thì bạn nên hiểu rằng người đó đến với cõi đời này để hát bằng cả trái tim, và chỉ để hát.

Nghệ sĩ Thanh Nga đã một lần đến với trần gian này như thế, bằng cuộc đời được dệt bởi toàn ánh vinh quang, nhưng lại kết thúc quá đỗi bàng hoàng.

Quang Thi

23/11/2008
http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/200847/20081123223345.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...