Thứ Hai, 29 tháng 9, 2008

Nóng bỏng với "Cốc trà nhạt" kỹ xảo điện ảnh Việt

Rating:★★★★
Category:Movies
Genre: Other
Chúng ta đã bàn về thực trạng kỹ xảo điện ảnh Việt Nam với những luồng ý kiến không thống nhất. Vẫn biết rằng kỹ thuật điện ảnh nước nhà còn nhiều hạn chế do những nguyên nhân từ những năm tháng chiến tranh gián đoạn đến thời kỳ kinh tế khó khăn, những người làm phim đã phải cố gắng khắc phục khó khăn để cho ra đời những tác phẩm điện ảnh. Nhưng dù có lạc quan đến mấy, người hâm mộ điện ảnh vẫn phải thừa nhận: điện ảnh Việt Nam đang yếu ở hầu hết các khâu từ kịch bản, bối cảnh, phục trang, diễn xuất, dựng phim... Trong đó, kỹ xảo là khâu thiếu nền tảng nghiêm trọng, ngày càng thể hiện rõ những yếu điểm của mình trong thời đại hội nhập. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?




Những cảnh trong phim "Chung cư vui vẻ" - Ảnh: netlife.com.vn


Lối tư duy cũ mòn

Trong khi kinh tế Việt Nam đang có những bước khởi sắc thì văn hóa văn nghệ nói chung, điện ảnh Việt Nam nói riêng dường như không theo kịp dòng chảy mạnh mẽ này. Dẫu về mặt nội dung các đạo diễn hay biên kịch cũng tỏ ra nhanh nhạy hơn khi đề cập đến nhiều đề tài thời sự nóng hổi như mặt trái đô thị hóa, người phụ nữ hiện đại, bi kịch người đồng tính... nhưng tất cả những đề tài ít nhiều mới mẻ đó vẫn được thể hiện theo lối kể chuyện cũ mòn. Đặc biệt một loạt phim truyền hình được sản xuất gần đây theo format nước ngoài như Nhật ký Vàng Anh, Chung cư vui vẻ, Cô gái xấu xí ... việc lạm dụng khuôn hình tĩnh càng tăng thêm vẻ bức bối của những căn phòng hẹp của bối cảnh . Thực ra nếu những nhà sản xuất sáng tạo thêm một chút có thể thêm vào những đồ họa thể hiện hội thoại, ý tưởng hay những giấc mơ của nhân vật. Tuy nhiên, diễn xuất của diễn viên chỉ được đặt trong nền cảnh đơn điệu. Phim sitcom Việt chính vì thế mà giống như kịch truyền hình, không tạo nổi trận cười trong lúc cao trào

Cảnh trong phim "Cô gái xấu xí" - Ảnh: netlife.com.vn
Có thể nói, phim Việt Nam vẫn giữ nguyên được lối làm phim khác hẳn với phần còn lại của thế giới. Trong khi xu hướng chung: điện ảnh chuyên nghiệp kể những câu chuyện đơn giản với một cách làm chu đáo, kỹ lưỡng, khai thác đến mọi ngóc ngách nhân vật và tận dụng tối đa sức biểu hiện của hình ảnh thì phim Việt lại luôn cố gắng ôm đồm câu chuyện phức tạp, với cách kể đơn giản, thậm chí sơ sài phác thảo. Kỹ xảo, không có mấy vai trò trong hình thức thể hiện phim, vừa thiếu và vừa yếu, đôi khi còn đi ngược lại mong muốn ban đầu của những người làm phim. Trong những bộ phim có kinh phí tương đối như Ký ức Điện Biên (đầu tư 13,4 tỷ), Hà Nội mười hai ngày đêm (đầu tư 7 tỷ) các cảnh kỹ xảo cũng bị chê là không thật và không ăn nhập với nội dung phim.

Một điểm khác nữa là chính những đạo diễn thì lại than phiền hiện nay đang thiếu trầm trọng kịch bản hay về kỹ xảo. Các nhà biên kịch của chúng ta thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật, khoa học huyền bí, không dám phóng bút viết cho bay bổng. Nhưng đó không phải khó khăn chung của những nhà biên kịch. Ngay trong văn học của chúng ta từ trước đến nay, muốn tìm được một cuốn tiểu thuyết về trinh thám, giả tưởng cũng rất khó khăn.

Kỹ xảo vốn là để con người làm được những điều tưởng là quá sức tưởng tượng nhưng hiện nay ngay cả trí tưởng tượng cũng bị giới hạn. Giữ mãi lối tư duy này chính là chặn đứng con đường phát triển của kỹ xảo Việt Nam.

Không chịu chi tiền

Có một cách biện minh cho việc bó buộc sáng tạo ở trên là do kinh phí eo hẹp, cái khó bó cái khôn. Chi phí làm phim của chúng ta rất thấp so với mặt bằng chung của điện ảnh thế giới. Trừ các phim được nhà nước đặt hàng vào các dịp kỷ niệm được rót kinh phí tương đối, các bộ phim thương mại cao cũng chỉ ở mức 5-6 tỷ đồng Việt Nam. Điều này thực sự khó khăn cho những đạo diễn muốn áp dụng công nghệ tiên tiến vào trong phim nhằm thu hút khán giả.

Hiện nay, thể loại tâm lý, hài tình cảm theo lý thuyết không đòi hỏi cao về mặt kỹ xảo đang được sản xuất ồ ạt tại Việt Nam. Đây có thể coi là một cách làm “khéo ăn thì no”. Nhưng về lâu dài, một nền điện ảnh chuyên nghiệp luôn có những yêu cầu cao về hiệu quả hình ảnh. Nhiều hãng phim Việt Nam cũng ý thức được vấn đề này song cũng đành tặc lưỡi vì đến tiền làm phim nhựa còn khó, làm kỹ xảo còn mệt hơn. Những thể loại phim cần phải có yếu tố kỹ xảo hầu như không được sản xuất. Nếu có thì kịch bản cũng được đẽo gọt nhiều, đến khi ra hiện trường hay trong quá trình hậu kỳ gặp thêm những khó khăn nữa thì những giải pháp an toàn được đưa ra, cắt tiệt những kỹ xảo lằng nhằng! Biên kịch Hà Anh Thu cũng chỉ tạm gọi là hài lòng với cảnh quay với cú bắt tay qua gương của nhân vật chính trong phim Trò đùa của Thiên Lôi nhưng cũng phải ngậm ngùi với nhiều cảnh quay không thực hiện tới được.

Trong các cảnh quay đòi hỏi chiều sâu, sự hoành tráng, chúng ta hoàn toàn có thể tiết kiệm chi phí dựng cảnh bằng cách áp dụng kỹ xảo nhưng nếu không đầu tư đúng mức vào việc làm kỹ xảo thì cái giá phải trả chính là tính chân thực của hình ảnh cũng như hiệu quả thẩm mỹ với người xem.

Với một bộ phim được chi tiền để làm kỹ xảo, điểm đến thường xuyên nhất của điện ảnh Việt Nam là Thái Lan. Thái Lan cũng là nơi rất nhiều phim nhựa của ta đã được gửi sang làm hậu kỳ. Đạo diễn Đặng Nhật Minh từng nhận xét “sang Thái Lan không đắt, họ có lực lượng làm kỹ thuật chuyên nghiệp hơn của ta. Quan trọng là họ không làm hỏng một phim nhựa nào cả”. Nhận xét bi hài kiểu này cho thấy rõ một thực trạng: trình độ người làm kỹ thuật điện ảnh Việt Nam rất kém và việc chọn Thái Lan cũng chỉ là để tận dụng giá cả rẻ, vị trí địa lý gần gũi. Khách quan mà nói, Thái Lan không phải là đất nước có nền điện ảnh tiên tiến, trình độ kỹ thuật (bao gồm cả hiệu quả đặc biệt và kỹ xảo) của họ chỉ ở mức trung bình. Phim Việt Nam muốn rẻ thì phải chấp nhận “tiền nào của nấy” với những màn kỹ xảo tạm coi là thoát kiếp minh họa lộ liễu như cảnh xích lô bay trong Khi đàn ông có bầu hay những pha hành động trong Võ lâm truyền kỳ.



Các nhân vật trong phim "Đàn ông có bầu" - Ảnh: dthoi.com


Thiếu một tầm nhìn chiến lược

Nhưng đáng lo không chỉ bởi việc những người quản lý điện ảnh Việt Nam không chịu chi tiền cho sản xuất và thực hiện kỹ xảo mà ngay cả chiến lược phát triển nhân lực cũng không được quan tâm đúng mức. Người hâm mộ vẫn có thể đặt câu hỏi, hiện nay những ai đang đảm nhận việc thực hiện kỹ xảo trong phim Việt Nam?

Phim ảnh, muốn hấp dẫn, đặc biệt là thu hút những khán giả trẻ đã quá quen với công nghệ cao thì không thể thiếu được những hiệu quả hình ảnh đặc biệt và hiệu ứng âm thanh vòm ấn tượng. Nhưng bản thân kỹ xảo, chính là sự nâng cao về mặt kỹ thuật trong công tác sản xuất phim nên không thể thiếu một chính sách phát triển toàn diện. Tuy nhiên, chính những nhà quản lý điện ảnh nước ta lại không có một tầm nhìn chiến lược để cải thiện tình hình. Người Hàn Quốc đang có những bộ phim đạt chuẩn, trước hết bởi hình ảnh đẹp, được quay lại và dựng bởi những người làm nghề chuyên nghiệp. Có biết bao nhiều nhân viên kỹ thuật đã được đào tạo tại Mỹ trong suốt thập niên 80 để đến thập niên 90, điện ảnh Hàn Quốc mới có những phim truyền hình và phim nhựa đẹp long lanh, đủ để biến các diễn viên thành ngôi sao châu lục, đại sứ Văn hóa. Ở Việt Nam, luật Điện Ảnh vẫn chưa có thời hạn hoàn chỉnh, công bố; sự chuyên môn hóa cho người làm kỹ xảo càng khó khiến tính chuyên nghiệp vẫn là tương lai xa của kỹ xảo điện ảnh Việt Nam. Hệ lụy rõ ràng nhất của việc thiếu một kế hoạch dài hơi để phát triển kỹ thuật làm phim Việt chính là sự thiếu đồng bộ gây nên lãng phí vì sự tụt hậu nghiêm trọng.

Chúng ta cũng đã có nhập về những máy móc, thiết bị hiện đại nhưng không có chuyên viên đủ năng lực vận hành, đảm trách việc thực hiện kỹ xảo. Những lớp học làm kỹ xảo thì diễn ra thưa thớt, bắt buộc phải có nhà tài trợ và phạm vi giảng dạy hẹp, chủ yếu cho các quay phim và kỹ thuật viên tại các hãng phim nhà nước. Đáng buồn là không phải ai nắm máy móc cũng có thể vận hành. Đầu năm 1999, Hội đồng liên Bộ đồng ý cấp kinh phí cho Viện kỹ thuật mua máy quay Silicon Graphic để phục vụ làm kỹ xảo. Nhưng khi bộ phim Hà Nội 12 ngày đêm cần làm kỹ xảo thì viện đã trả lời không làm được! Trong khi, một số công ty tin học có các kỹ sư đồ họa ham học hỏi, thích được thể nghiệm kỹ thuật, muốn áp dụng vào điện ảnh thì lại không có kinh phí để trang bị máy móc hiện đại. Sự thiếu đồng bộ theo kiểu “người cần không có, người có không biết” đã khiến nạn nhân trực tiếp là những khán giả khi phải theo dõi những bộ phim thiếu hấp dẫn về hình ảnh.

Nhiều người vẫn tin vào việc giới trẻ có thể tiếp thu được kiến thức điện ảnh tiên tiến, họ sẽ là người chủ động học tập tiếp thu kỹ thuật mới mà không cần chờ đến chủ trương hay chính sách của nhà nước. Nhưng điện ảnh là một ngành học đòi hỏi sự đầu tư rất lớn, chi phí mỗi năm học của đạo diễn tại Mỹ là 40.000-50.000 đô la (trước đây giáo dục Nga so sánh chi phí đào tạo một đạo diễn điện ảnh ngang với một phi công) nên sẽ rất khó khăn cho những người trẻ nếu họ đơn độc trên con đường đến với đam mê của mình.

Mỹ Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...