Thứ Ba, 30 tháng 9, 2008

Thưởng 1.000USD/bài báo - không phải việc của Nhà nước

http://tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/4927/index.aspx

Nhà nước có thể có giải thưởng để tôn vinh các nhà khoa học, song cách làm như vừa qua và hiện nay thực sự không mang lại kết quả, thậm chí làm mất uy tín của các giải thưởng.

Báo chí đưa tin tại buổi thăm và làm việc của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên- Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết Bộ GD-ĐT sẽ thưởng 1.000 USD/bài cho những bài viết được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế. Trường ĐHQG Hà Nội sẽ là nơi đầu tiên thực hiện chủ trương này.

Chắc hẳn có người mừng vì sẽ được tiền, có người mừng vì chủ trương này sẽ góp phần “nâng cao chất lượng” nhìn chung vốn rất kém của các cán bộ giảng dạy và nghiên cứu ở nước ta, sẽ tạo ra khuyến khích mạnh để góp phần giúp một số trường đại học Việt Nam “đạt trình độ quốc tế”.

Tôi thì nghĩ hơi khác. Ý định có thể rất đáng trân trọng, song kết quả chưa chắc được như mong muốn và có thể gây ra những hậu quả ngược lại. Trước khi công bố một chủ trương, một chính sách cần cân nhắc cẩn trọng, tính toán kỹ lưỡng những khuyến khích và phản khuyến khích do nó gây ra. Tôi hy vọng rằng chủ trương mà Phó Thủ tướng nêu ra đã được các quan chức chuyên môn cân nhắc kỹ và rất mong được họ lý giải công khai trước công luận. Dưới đây chỉ xin góp vài ý kiến sơ bộ.

1. Nếu công dân Nguyễn Thiện Nhân bỏ tiền túi của mình ra thưởng thì đó là quyền của ông, có thể đó là chuyện đáng khen và chẳng cần phải bàn làm gì. Song báo chí nói rằng Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân công bố chủ trương như vậy (hãy cứ tin báo không nói sai), tức là dùng tiền của dân để thưởng, thì rất cần phải bàn thêm.

2. Tôi chưa từng thấy bất cứ nước nào có chủ trương hào phóng thưởng đại trà như vậy. Khuyến khích bằng thưởng tiền là việc tốt, song đối với nhà khoa học chân chính thưởng bằng tiền chưa hẳn đã là khuyến khích tốt nhất đối với họ, để cho họ say mê nghiên cứu. Đối với nhà khoa học, cái quan trọng nhất là quyền tự do nghiên cứu, là môi trường làm việc, điều kiện làm việc, là sự tôn trọng, là uy tín của họ trong con mắt của các đồng nghiệp, là khả năng thăng tiến chuyên môn, là việc được chuyên ngành công nhận trong phạm vi địa phương hay quốc tế, là khả năng giao lưu với các đồng nghiệp, là cơ hội tham gia các hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế, là cơ hội có thể công bố kết quả nghiên cứu của mình … là có thu nhập tử tế để khỏi phải luôn lo nghĩ về “cơm áo gạo tiền”, để có thể chuyên tâm vào nghiên cứu.

Nếu xét tất cả các điểm vừa nêu thì không khó hiểu tại sao nền khoa học nước nhà lại kém phát triển. Hầu như tất cả các điều kiện đều thiếu. Có thể thấy khuyến khích tiền bạc cũng quan trọng song không phải là quan trọng nhất.

3. Những ai đã có công trình được đăng trên các tạp chí hàng đầu thế giới đều biết rõ: họ không những không nhận được một xu nhuận bút mà thậm chí có thể họ hay cơ quan của họ còn được tạp chí đó yêu cầu “đóng góp” tiền (cỡ 50 đến vài trăm USD cho bột bài) để giúp duy trì hoạt động của tạp chí. Định kỳ, các bài thật xuất sắc có thể nhận được các giải thưởng danh giá có khi cũng chỉ có giá trị tượng trưng một vài ngàn USD, trừ các giải rất đặc biệt.

4. Vấn đề rắc rối tiếp theo của chủ trương này là: nếu cứ đăng được 1 bài báo trên 1 tạp chí khoa học nước ngoài là được Bộ GD-ĐT chi cho 1.000 USD thì ngân quỹ của Bộ sẽ chẳng mấy cạn kiệt. Chủ trương sẽ có thể tạo ra những khuyến khích ngược rất tai hại.

Thí dụ, nó sẽ khuyến khích nhiều “nhà khoa học” hám tiền, hám danh đăng “kết quả nghiên cứu” của mình trên các tạp chí quốc tế chẳng mấy nổi tiếng. Ai cũng biết các tạp chí được gọi là “khoa học quốc tế” cũng có cả ngàn lẻ một loại, từ thượng hạng đến “làng nhàng”. Và số lượng bài đăng trên các tạp chí không có chất lượng cao sẽ chẳng góp mấy cho sự phát triển của nền khoa học nước nhà.

5. Vậy là phải phân loại các tạp chí mà các bài báo của các “nhà khoa học” Việt Nam có công trình đăng trong đó. Ai có thẩm quyền phân loại? Chắc chắn không phải là Bộ GD-ĐT Việt Nam. Có thể đưa ra các tiêu chí nhất định để phân loại, rồi phải tổ chức ra hàng trăm hội đồng chuyên ngành để đánh giá. Với cách làm như hiện nay ở ta chắc chắn sẽ có rất nhiều cãi cọ quanh các hội đồng “tư vấn” này và giữa họ với nhau. Để làm việc vô bổ đó sẽ rất tốn thời gian, công sức và tiền của của nhân dân.

6. Các bài báo có nhiều đồng tác giả thì sao? Chẳng có vấn đề gì, mỗi bài nhận một tấm séc 1.000 USD và các tác giả tự chia nhau phần thưởng. Thế nếu có các đồng tác giả là những người nước ngoài? Chắc chắn Bộ sẽ phải có quy chế về vấn đề này.

Mới sơ bộ đã thấy rất nhiều vấn đề không đơn giản liên quan đến chủ trương hào phóng và có thể có ý định tốt này và còn có thể nêu ra nhiều phản khuyến khích khác.

Việc của Nhà nước là tạo môi trường cho nhà khoa học

Điểm cốt yếu ở đây là: phát thưởng đại trà như vậy không phải là việc của nhà nước. Việc của nhà nước là tạo môi trường, các điều kiện nêu trên ở điểm 2. Nhà nước có thể có giải thưởng để tôn vinh các nhà khoa học, song cách làm như vừa qua và hiện nay thực sự không mang lại kết quả, thậm chí làm mất uy tín của các giải thưởng.

Nhà nước hãy đầu tư thích đáng cho các cơ sở đào tạo và nghiên cứu, hãy để cho họ được tự trị, hãy tạo các điều kiện và môi trường cho họ hoạt động (kể cả tiền lương). Làm thế may ra mới có các cơ sở nghiên cứu tốt, mới có đại học ra đại học (nói đến đẳng cấp quốc tế làm chi).

Việc thưởng, tôn vinh các nhà khoa học hãy để cho xã hội, cho chính họ tự làm, họ mới hiểu, mới đánh giá công trình của đồng nghiệp mình đúng nhất.

Việc cất nhắc, thăng tiến, học hàm, học vị của các nhà khoa học làm trong các viện và trường phải để cho chính các cơ sở khoa học đó tự quyết và nhất thiết phải gắn với thành tích khoa học của họ mà một thước đo là các công trình được đăng trên các tạp chí quốc tế (với các trọng số đánh giá khác nhau tùy uy tín của tạp chí), là số các trích dẫ của các đồng nghiệp trong các công trình của họ đến công trình của nhà khoa học được nói đến đó.

Đấy là vài việc mà nhà nước cần làm (mà phần lớn là thôi không làm) không phải đi thưởng một cách đại trà như chủ trương nói trên.

  • TS. Nguyễn Quang A 
Họ và tên: Thanh Phương
Địa chỉ: Montreal, Canada
Email: xdvn2002@yahoo.ca

Cá nhân tôi nghĩ việc thưởng tiền cho một bài báo không hẳn là việc không nên làm. Tuy nhiên cần thận trọng khi thực hiện chủ trương này. Thứ nhất, có những tờ báo, ví dụ Natural Sciences thực sự là một tờ báo có uy tín trong giới nghiên cứu khoa học. Việc đăng, công bố một bài ở đây cực kỳ khó khăn và đầy vinh dự cho tác giả cũng như đất nước. Đăng bài ở đây là niềm mơ ước, tự hào của nhiều người làm khoa học. Do đó việc tặng thưởng là đìều có thể nên làm. Ngược lại, có nhiều tờ báo khoa học khác thì việc đăng bài lại là chuyện bình thường, do đó tặng thưởng là không cần thiết và lãng phí.

Thứ hai, ở các nước tiên tiến, việc tặng thưởng nhiều khi không đơn thuần là tiền. Cũng là tiền nhưng đối với các tập thể, cá nhân làm khoa học thường số tiền đó được đầu tư cho nghiên cứu. Ví dụ một tác giả khi nhận được một giải thưởng trị giá 10 ngàn usd không có nghĩa tác giả bỏ túi số tiền đó. Số tiền đó phải được chi dùng phần lớn cho các hoạt động nghiên cứu khoa học. Với nhiều giải thưởng thì có nghĩa nhà khoa học đó có nhiều kinh phí hơn trong các hoạt động nghiên cứu.

Như vậy phần thưởng có giá trị không chỉ về mặt kinh tế mà còn thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu. Chúng ta nếu có tặng thưởng thì nên đi theo cách này.

Cuối cùng, hơi ngòai lề là điều đáng buồn, có thể hơi hổ thẹn- trong khi tất cả các quy định của nhà nước đều yêu cầu các cửa hàng bán hàng công bố bằng tiền Việt thì việc công bố tiền thưởng tôi thiết nghĩ cũng không cần thiết phải dùng đến ngoại tệ.

Họ và tên: Quách Liêu
Địa chỉ:
Email: ongbavatit@yahoo.com

Chúng ta có không ít nhà khoa học, nhưng các công trình phục vụ thiết thực cho XH thì lại hiếm. Nhiều công trình nghiên cứu bị trùng lặp hoặc lạc hậu nên không phát huy được. Để tránh sự lãng phí này, nhà nước cần có biện pháp buộc các đề tài nghiên cứu phải chứng minh được công trình của mình là mới và có hiệu quả thiết thực.

Theo tôi được biết thì việc chọn đề tài nghiên cứu đáp ứng được yêu cầu nói trên là việc làm bắt buộc với các nhà khoa học trên thế giới. (Một tiến sỹ tốt nghiệp tại TOKYO kể với tôi là thời gian chọn đề tài thường tốn 1/3 thời gian nghiên cứu, vị tiến sỹ này chọn đề tài mất 2 năm); Khi chứng minh được điều đó, người ta mới đầu tư hoặc cấp học bổng cho mà làm. Vậy tôi đề nghị ông Nguyễn Thiện Nhân nên trao món quà này cho các các công trình sau khi đã được thẩm định kỹ càng (là mới và có ích) để các nhà khoa học thuận lợi hơn trong công việc; chứ chạy theo bài báo sẽ là "thả mồi bắt bóng".

Họ và tên: Lê Hoàng Lâm
Địa chỉ:
Email: lehoanglam@yahoo.com

Tôi hoàn toàn đồng ý với Tiến sĩ Nguyễn Quang A. Để khoa học nước nhà thực sự đóng vai trò quan trọng trong công cuộc làm giàu đất nước và được bạn bè trong giới khoa học quốc tế thừa nhận, chúng ta không chỉ khuyến khích bằng những chủ trương như thế mà hãy tạo ra môi trường làm việc lý tưởng để các nhà khoa học của chúng ta cống hiến trí tuệ của họ.

Cứ nhẩm tính lại mà xem, Việt Nam chúng ta đâu có thiếu những nhà khoa học tầm cỡ thế giới, nhưng nhìn lại mới thấy quá trình làm việc và các công trình nghiên cứu của họ đều thực hiện ở nước ngoài. Lâu lâu lại thấy báo chí đăng tải những sự kiện khoa học vang dội do người Việt Nam thực hiện tôi cảm thấy hết sức vui mừng, nhưng nhìn kỹ lại mới thấy hầu hết những công trình nghiên cứu này lại được thực hiện ở nước ngoài và được đăng trên các tạp chí khoa học nước ngoài trước khi được phổ biến ở Việt Nam.

Tại sao lại như thế? Xin nhường câu trả lời lại cho Nhà nước.

Nói thêm về số tiền 1000USD. Chúng ta có rất nhiều các hiệp hội khoa học kỹ thuật, có rất nhiều các công trình nghiên cứu,...nhưng 1ấn phẩm mang tầm cỡ thế giới để công bố các công trình nghiên cứu này thì lại không có. Thay vì bỏ ra 1 khoản tiền như trên, tại sao không dùng nó để xây dựng 1 tạp chí khoa học mang tầm cỡ như các nước khác trên thế giới? Khi đó chẳng khó khăn gì để gây 1 quỹ tài trợ với mục đích tương tự để khuyến khích các nhà khoa học trong nước.

Họ và tên: Phan Khắc Cường
Địa chỉ: Tp HCM
Email: cuongpk@gmail.com

Tôi hòan tòan nhất trí với ý kiến của TS. Nguyễn Quang A. Cá nhân tôi thì thấy chủ trương như thế nhiều khi dể chạm lòng tự trọng của nhiều nhà khoa học và kéo theo nhiều tiêu cực. Trách nhiệm của Chính phủ là tạo ra nhu cầu xã hội thực sự (cả trong và ngòai nước) đối với năng lực trí tuệ của các nhà khoa học VN. Dù sao, tôi cũng rất thông cảm với những trăn trở của ông Bộ trưởng.

Họ và tên: T.S Đào Thế Long
Địa chỉ:
Email: longdao1950@gmail.com

Tôi rất đồng ý với ý kiến của TS Nguyễn Quang A. Khi đọc thông tin "BGD hứa thưởng 1000 USD ..." tôi thấy không ổn. Có thể đây là ý kiến rất hay nếu Ô NTN không phải là PTT mà là một nhà từ thiện hay một Mạnh Thường Quân.Tôi cứ nghĩ BGD cứ chạy theo thưởng kiểu này e sau này Bộ GD sẽ thành Ban thi đua khen thưởng mất rồi.

Cái gì cũng hứa ,cũng dùng tiền để "động viên" , tiền tệ hóa trí thức sẽ làm vẩn đục môi trường KH. Bộ nên lo những việc lớn hơn như TS Quang A nêu ra. Đừng quanh quẩn mấy chuyện nhỏ như con thỏ này. "Nhà nước hãy đầu tư thích đáng cho các cơ sở đào tạo và nghiên cứu, hãy để cho họ được tự trị, hãy tạo các điều kiện và môi trường cho họ hoạt động (kể cả tiền lương). Làm thế may ra mới có các cơ sở nghiên cứu tốt, mới có đại học ra đại học (nói đến đẳng cấp quốc tế làm chi). " "Việc thưởng, tôn vinh các nhà khoa học hãy để cho xã hội, cho chính họ tự làm, họ mới hiểu, mới đánh giá công trình của đồng nghiệp mình đúng nhất. "

Họ và tên: Hải quân
Địa chỉ: Hà Nội
Email: pd.quan@yahoo.com

Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Quang A. Khuyến khích, tạo hành lang pháp lý và động lực cho nghiên cứu khoa học là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải xem xét tổng thểvề bối cảnh, thực tại, khả năng của các nghiên cứu của các nhà khoa học mà có chủ trương chính sách hợp lý đúng đắn. Theo tôi được biết đã số các Nhà khoa học hiện nay là những ngưòi được Nhà nước đào tạo, gửi đi đào tạo. Vả lại nhà khoa học có công trình khoa học điều đó là hoàn toàn bình thường, không nên quan trọng hoá vấn đề thưởng cho bài viết, công trình khoa học. Chúng ta phải đưa mục tiêu lớn hơn, sân chơi lớn hơn để tìm ra những nhà khoa học nổi tiếng đạt giải nobeL chẳng hạn. Xin cảm ơn toà soạn và tiến sĩ Nguyễn Quang A.




Họ và tên: Hoa Ngoc Ha
Địa chỉ: 132 Ông Ích Khiêm,P5,Q11,HCM
Email: hoangocha92@yahoo.com

Tôi hoàn toàn tán thành bài viết của TS Nguyễn Quang A. Bài viết của TS đã phân tích cho thấy rõ tính vô bổ của kiểu thưởng này vì nó chẳng chứng minh được điều gì cả mà còn tốn rất nhiều thời gian để xác định xem bài viết có đáng đưọc dùng tiền đóng thuế của dân để thưởng không?

Tôi được biết là các tạp chí khoa học có tên tuổi đâu có trả "nhuận bút"cho bài báo khoa học nào đâu; thậm chí để đưọc đăng trên tạp chí khoa học có danh tiếng đó, người viết còn phải bỏ tiền để trả các chi phí in ấn, phát hành. Vậy thì đâu là căn cứ để xác định được giá trị thật của bài viết? Tôi đồng tình với chủ truơng thưởng tiền cho các bài viết về công trình khoa học có giá trị nhưng về cách thức thực hiện việc thưởng này như thế nào lại là vấn đề phải bàn cho thấu đáo với các tiêu chí rõ ràng.

Trong thực tế, có nhiều sáng chế khoa học rất có giá trị ứng dụng thực tế, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt như các sáng chế về máy cấy, máy bóc đậu phộng, máy tách hạt bắp, máy gặt đập liên hợp đang sử dụng rộng rãi ở đồng bằng sông Cửu Longv.v... lại do chính những ngưòi công nhân, nông dân tầm thường, học vấn thấp nghĩ và làm ra, sao không thấy Nhà nước có các giải thưởng nào cho họ? Xin trân trọng cảm ơn!

Họ và tên: Bùi Văn Thịnh
Địa chỉ:
Email: quocthinh027@yahoo.com

Tôi rất đồng tình với cách đặt vấn đề của Tiến sỹ Nguyễn Quang A. Ngành giáo dục Việt nam đang mắc 1 căn bệnh trầm kha là “bệnh thành tích” thì việc khuyến khích như vậy có thể sẽ làm cho căn bệnh trên ngày càng nặng thêm và có nguy cơ lây lan ra cả thế giới (chúng ta đã từng xuất khẩu những căn bệnh thuần tuý Việt nam ra thế giới rồi đấy!).

Đối với những nhà khoa học chân chính có lẽ niềm kiêu hãnh khi được vinh danh trên các báo chí nước ngoài có lẽ quan trọng hơn tiền bạc và trước khi cần tiền họ cần nhiều cái khác từ phía nhà nước mà TS đã nêu. Cám ơn Tiến sỹ.

Họ và tên: Nguyễn
Địa chỉ:
Email: nguyenducdanh@yahoo.com

Cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã nói hộ chúng tôi, những người giảng viên đại học. Chúng tôi vẫn hàng ngày đầu tư cho bài giảng và mong sao có thể cung cấp được những tri thức mới cho sinh viên. Thật sự, chúng tôi không muốn được Bộ GDĐT thưởng 1000 USD cho mỗi bài báo chúng tôi được đăng ở tạp cho quốc tế. Chúng tôi chỉ mong có một chổ ngồi làm việc (working space) riêng và một máy tình có kết nối internet và luơng đủ nuôi sống bản thân để chúng tôi có thể tập trung cho việc nghiên cứu vá giảng dạy.

Họ và tên: Lan Hương
Địa chỉ: Nam Định
Email:

Đọc bài của TS. Nguyễn Quang A, tôi rất đồng tình với quan điểm này. Chúng tôi cũng hiểu, Chính phủ và người dân đang day dứt về năng lực làm việc của đội ngũ làm nghiên cứu nước nhà. Nói như vậy, nhưng làm thế nào để tháo gỡ thì không hề đơn giản. Bất luận là thông tin "dùng tiền để khuyến khích" có đúng hay không nhưng thực hiện việc này tôi cho là không phù hợp vì những lý do sau:

1) Trước hết, tôi cho rằng hoạt động công bố kết quả nghiên cứu là trách nhiệm, nghĩa vụ của một người làm công tác nghiên cứu. Nếu như họ muốn chia sẻ kết quả của người khác (để xây dựng tổng quan - references) để phục vụ nghiên cứu của họ thì đồng nghĩa họ cũng phải công bố những gì mà họ tìm thấy được trong lĩnh vực họ nghiên cứu. Công trình nghiên cứu được công bố sẽ chứng minh năng lực (cái tầm) của người làm nghiên cứu. Do vậy, hơn ai hết, người làm nghiên cứu được hưởng lợi từ việc này vì đã làm tốt hơn cho cái nghề của họ.

2) Nếu "thưởng tiền" cho người công bố kết quả nghiên cứu ở các tạp chí chuyên ngành quốc tế sẽ tạo ra một tiền lệ không tốt. Nếu cứ làm là phải có tiền thì e rằng quốc gia sẽ chẳng có nhiều điều kiện để phát huy trí tuệ của các nhà khoa học phục vụ đất nước.

3) Lợi ích kinh tế được đặt ra sẽ "tác dụng ngược", bởi lẽ sẽ có hiện tượng người người gửi bài đăng bao quốc tế (2 bài = 1 năm lương). Thế chất lượng của các bài viết thế nào? Có thể Hội đồng thẩm định, biên tập sẽ phải "oải" với các bài báo mà tác giả VN gửi đến. Vì vậy, đăng báo quốc tế không thể thực hiện kiểu "phong trào thi đua" được.

4) Nếu thấy được "hiệu quả kinh tế" như trên, chắc chắn nhiều "nhà khoa học" sẽ hy sinh lợi ích này để đạt được lợi ích khác - đó là cái danh. Mua bán trong khoa học lại sẽ trở thành đại dịch. Cuối cùng, tôi cũng đồng ý khi cho rằng, Chính phủ nên tạo môi trường làm việc tốt hơn cho các nhà khoa học. Đồng thời cần xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm nghề nghiệp của họ.




Họ và tên: tran an tri
Địa chỉ:
Email: tran_antri@yahoo.com.vn

Bài của TS Nguyễn Quang A cũng đáng để chúng ta quan tâm. Tuy nhiên ông cũng duy ý chí. Hiện nay một số nước cũng có cơ chế thưởng, tuy nhiên họ gắn vào chi phí đề tài nghiên cứu. Vẫn có ngoại lệ, ở Trung Quốc có khi bài báo hay được thưởng 4-20 nghìn đô la. Thử tính xem, với 1000USD cho bài báo có uy tín quốc tế, ĐH QG Hà nội mỗi năm chi khoảng 110 nghìn USD có đáng là bao.

Nếu so với số tiền 400 triệu USD cho NCKH, và cũng là con số nhỏ so với số tiền chi cho NCKH ở ĐHQGHN. Tiền thường là của dân, NCKH cũng vì dân, vì mang lại lợi ích cho dân có mất đâu. Chi tiền cho NCKH là cần thiết và phải thiết thực cho nhà khoa học. Họ không uống nước lã để nghiên cứu.

Cũng xin nói thêm một chút, TS Nguyến Quang A là người tôi rất kính trọng, các bài viết của Ông thường đáng quan tâm. Tuy nhiên theo tôi biết,  kinh tế gia đình ông rất khá giả, liệu ông có biết các nhà khoa học, đặc biệt là những người trẻ rất khó khăn đó sao?

Họ và tên: Nguyễn Đức Thưởng
Địa chỉ: Hà Tĩnh
Email: nguyenducthuonght@yahoo.com

Tôi rất tâm đắc với ý kiến của TS Nguyễn Văn A. Hiện nay, ở nước ta lấy tiền nhà nước để tôn vinh cái tôi cá nhân quá nhiều. Việc trích tiền NS để thưởng cho cá nhân cũng giống như việc các tỉnh, tp tết không bắn pháo hoa mà để tiền ủng hộ người nghèo, cứ thế tạo vòng luẫn quẫn ...... Thiết nghĩ những nhà quản lý nên ý thức được việc gì nên ra việc đấy....



Họ và tên: Vũ Hồng Khiêm
Địa chỉ: Seoul - Korea
Email: khiemvh@yjit.co.kr

Từng làm khoa học ai chẳng biết là để có một sản phẩm là bài báo có chất lượng được thẩm định bởi các tạp chí quốc tế cần phải có sự tích luỹ nhất định qua quá trình nghiên cứu làm việc nghiêm túc. Rất tiếc là ở Việt Nam, mọi chính sách cơ chế đều không ủng hộ người nghiên cứu nghiêm túc đúng nghĩa.

Tôi cứ lấy ví dụ, nếu ai đã từng học ở các trường đại học, thì có thể thấy là các giảng viên thuần tuý không thể nào sung túc bằng việc giảng day, cho dù là có làm tốt mấy nữa, còn những người làm quản lý thì có lẽ không cần nói ra cũng biết là đa phần đều ở một đẳng cấp khác hẳn.

Nếu đã nói ra là thưởng 1000$ / bài báo thì cũng nên lập ra một hội đồng thẩm định xem xét cá bài báo, rồi thực hiện cho đến nơi đến chốn, chứ không theo kiểu hô hào cho có.

Họ và tên: Trần Thị Tuyết Minh
Địa chỉ:
Email: tuyetminhtranthi@yahoo.com

Tôi không biết quỹ của ngành giáo dục lớn cỡ nào, nhưng hàng năm tôi thấy các cháu học sinh vẫn phải học ca ba, nhiều địa phương vẫn thiếu lớp, thiếu trường học, lương bổng của các thầy cô giáo vẫn thấp. Còn về khoa học , tôi thấy nên khuyến khích những sáng kiến mà nó thật sự có ích cho đời sống nhân dân thì hãy thưởng. Chẳng hạn ai tìm ra được chất nào làm ra bao bì tự tiêu hủy mà báo đài cứ nói hòai chả thấy ai nghĩ về việc này , mặc dù ta cũng có nghiên nhà khoa học, phòng nghiên cứu đấy chứ. Là một nhà khoa học chân chính thì luôn luôn tìm tòi ra điều mới cống hiến cho xã hội, chứ không phải có tiền mới làm. Việc viết một bài để được đăng trên một tờ báo nào đó cũng chả phải là khó. Có điều là tác phẩm đó có giá trị thực tế gì hay không?

Nếu quyết định trên mà được áp dụng, không biết có đủ tiền mà chi hay không? Mà sao lại thưởng bằng tiền đô khi nhà nước không cho pháp giao dịch bằng ngọai tệ nhỉ ? Đồng tiền là xương máu của nhân dân nên khi sử dụng phải hết sức thận trọng, đừng làm điều gì sai để tiếng đời muôn năm và hậu quả con cháu chúng ta phải gánh chịu.



Họ và tên: Ngô Đức
Địa chỉ:
Email: ngoduc@gmail.com

Đặt tile cho ý kiến này, chắc tôi sẽ bị cho là kẻ "không biết gì". Thú thực, đọc bài của tiến sỹ Nguyễn Quang A, trong tôi trào lên một nỗi buồn khác. Mấy năm gần đây, bạn tôi trở thành tiến sỹ rất nhiều: từ chính trị, mỹ học, luật học, đến khoa học chuyên ngành. Tôi không mừng, chỉ thấy lo cho...dân tộc. Xin thưa các bạn ấy là tiến sỹ...nhưng công việc của các bạn ấy đang làm không liên quan gì đến công việc các bạn ấy đang quản lý.

Ví dụ đang làm Phó tổng biên tập báo thì lại làm tiến sỹ về tội phạm học (trước anh học đại học chuyên ngành sau rẽ ngang làm báo); đang làm chánh văn phòng thì làm tiến sỹ về chính trị... Thậm chí, có người bạn hễ tôi đi dự hội thảo ở đâu về giao thông đô thị là phải mang tư liệu về cho anh. Sau đó tôi biết anh copy như thật để làm đề tài và công bố bài tính điểm trên 1 tạp chí khoa học...Gần như họ làm tiến sỹ chỉ để ghi vào lý lịch cho đẹp và khoe với dòng họ thôi?! Vậy nên, thắc mắc của tôi ở ta tiến sỹ đã là nhà khoa học chưa hoàn toàn có lý!

Trở lại ý kiến của tiến sỹ Nguyễn Quang A tôi thấy hoàn toàn có lý. Bài công bố ở tạp chí nước ngoài nhưng thế nào là bài có chất lượng và ứng dụng được; đâu là bài copy hoặc viết và công bố rồi vứt vào ngăn kéo. Nhà khoa học của ta quá nhiều nhưng gần như không ai biết thương "Hai Lúa" trên ruộng đồng!

Họ và tên:
Địa chỉ:
Email: tested@rokketmail.com

Tôi thấy chủ trương của đồng chí PTT NTN cũng rất hợp lý. Tuy nhiên, điều kiện làm việc cơ sở hạ tầng, quản lý giáo dục, trả lương của mình còn yếu lắm. Ví dụ như cơ sở vật chất của Học Viện Ngân Hàng khi đi vào tôi thấy như khu nhà ổ chuột, dự án xây nhà học tập của trường ĐH KTQD xây mấy năm mà chưa xong (không hiểu trình độ quản lý dự án của cái nôi đào tạo cử nhân kinh tế để đâu mà thực nghiệm lại kém thế)...

Họ và tên: Thanh Phạm
Địa chỉ:
Email: thanhnien75@yahoo.com

Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của TS Nguyễn Quang A. Thực sự thì các nhà khoa học Việt Nam đều biết về tình hình nghiên cứu ở Việt Nam là rất yếu kém so với thế giới. Ai cũng biết việc yếu kém này là do không tự chủ được trong kinh phí, không đầy đủ thiết bị phục vụ nghiên cứu, đề tài nghiên cứu không gắn liền với thực tiễnc và tiền lương không đủ để yên tâm nghiên cứu.

Việc PTT Nguyễn Thiện Nhân nêu giải thưởng 1000ÚD/bài báo quốc tế theo tôi nghĩ PTT muốn khuyến khích các nhà khoa học Việt Nam nên viết nhiều bài báo quốc tế hơn và như thế sẽ có tiếng vang trên thế giới hơn (nếu đúng như suy nghĩ này thì sẽ bị mắc vào căn bệnh thành tích của GD Việt Nam), nhưng tôi thì nghĩ tích cực hơn đó là vì PTT rất quan tâm lo lắng cho đời sống của các nhà KH Việt nam, muốn họ chú tâm hơn vào nghiên cứu khoa học chứ không phải chân trong chân ngoài, chạy sô đi dạy nữa và muốn các nhà KH Việt Nam thấy rằng nếu họ chú tâm vào nghiên cứu ra sản phẩm thì họ sẽ được trả công xứng đáng.

Nhưng nếu như vậy thì lại xảy ra vấn đề là chất lượng các bài báo quốc tế đó như thế nào? Nếu được đăng trên các tạp chí nổi tiếng có impact factor thì không sao, nếu tạp chí đăng ở châu Phi hoặc Thái Lan thì có phải là tạp chí quốc tế không? (vì tôi thấy ở Việt nam vẫn cho điểm bằng nhau đối với tất cả các bài báo đăng trên bất kỳ tạp chí quốc tế hoặc hội thảo quốc tế, như thế là không công bằng). Vậy để giải quyết được vấn đề vừa có nhiều báo quốc tế, vừa cải thiện đời sống của nhà KH thì làm như thế nào:

1. Hiện đại hoá hệ thống phòng thí nghiệm - điều kiện tiên quyết để có được các sản phẩm nghiên cứu chất lượng cao: Tôi nghĩ việc đầu tiên là nhà nước hãy tập trung vào việc đầu tư các thiết bị hiện đại cho các phòng thí nghiệm và kinh phí để duy trì các phòng thí nghiệm này. Tôi thấy hiện nay còn quá ít các phòng thí nghiệm với các thiết bị hiện đại trong các trường ĐH và các Viện nghiên cứu ở Việt Nam. Những phòng thí nghiệm trọng điểm đã xây dựng thì không có kinh phí để duy trì hoạt động, bảo dưỡng máy móc.

2. Hãy có chế độ tiền lương đảm bảo cho cuộc sống của nhà KH. Nhà nước đặt mục tiêu phát triển KH thì việc có chế độ đãi ngộ đối với các nhà KH là điều bình thường. Các nhà KH không thể cứ ăn lương theo hệ số của nhà nước mà có thể dành thời gian và tâm huyết cho nghiên cứu được. Điều này phải có sự bức phá trong công tác quản lý. Hãy giao quyền tự chủ cho các trường ĐH và các Viện nghiên cứu. Các cơ quan đó được quyền bổ nhiệm GS, PGS và các chế độ cho các chức danh đó. Có như vậy thì mới tuyển được người tài và đánh giá đúng khả năng của họ.

3. Hãy định hướng và khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu ứng dụng cụ thể để cải thiện sản xuất, tạo ra các sản phẩm mới mang truyền thống Việt nam cải thiện đời sống của người dân Việt Nam và dần dần xuất khẩu ra thế giới những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Nếu sản phẩm của các nhà KH Việt Nam có những ứng dụng cụ thể thì tôi nghĩ các doanh nghiệp VN sẽ không còn đứng ngoài cuộc như hiện nay. Họ sẽ có nhu cầu đầu tư để phát triển các sản phẩm đó và đến một giai đoạn nào đó sự kết hợp giữa các doanh nghiệp và các nhà KH sẽ đáp ứng được cả 2 điều tôi đã nêu ở trên.

Điều này hiện nay rất phổ biến ở các nước phát triển. Điều rất buồn là các nhà KH Việt nam không được các doanh nghiệp VN tin tưởng nên toàn đi mua công nghệ của Nhật, TQ, Đài Loan về SX tại VN. Những điều tôi nói ở trên đây chắc nhiều người đã suy nghĩ, bàn thảo nhiều và chắc PTT cũng đã có định hướng rồi nhưng việc tôi muốn nói ở đây là chúng ta hãy làm đi, hãy làm ngay!

Họ và tên: Dang Thanh Tuan
Địa chỉ: Aachen University, Germany
Email: dangthanhtuan@gmail.com

Tôi nghĩ việc đề xuất thưởng 1000 USD cho một bài báo đăng trên các tạp chí của Bộ trưởng BGD Nguyễn Thiện Nhân là một ý tưởng hay, có thể khuyến khích nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong nước. Khoa học và Công Nghệ đóng vai trò rất lớn trong việc phát triển Kinh tế. Các nhà khoa học của tất cả các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Đức, Anh, Nhật,... hàng năm đều đăng rất nhiều bài báo trên các tạp chí quốc tế có uy tín.

Nhưng đúng như những gì TS. Nguyễn Quang A đã nói, các tạp chi quốc tế cũng phân ra nhiều loai chât lượng như thế nào thì chỉ có những ngươi làm đúng chuyên ngành mới biết rõ được. Nhưng hiện nay để đánh giá chất lượng của các tạp chí quốc tế, trên thế giới người ta dùng chỉ số Impact Factors(chỉ số ảnh hưởng). Chỉ số này dựa trên số lần trích dẫn trung binh của mỗi bài báo khoa học đăng trong tạp chí này trong vòng 2 năm trước đó. Tôi thiết nghĩ có thể dựa vào chỉ số này để phân loại chất lượng các bài báo quốc tế và số tiền thưởng. Ví Dụ: Chi số Impact factor của tạp chi A năm 2007 la 10 thi co the thưởng cho các tác giả của công trình này 1000 USD và nếu chỉ số là 5 thì số tiền thưởng chỉ là 500 USD. Có thể tham khảo chỉ số Impact Factors o link này: http://www.sciencegateway.org/impact/

Họ và tên: Hoàng Nam
Địa chỉ: Huế
Email: vietese@gmail.com

Bài viết của TS. Nguyễn Quang A thể hiện được mong muốn của giới khoa học. Theo tôi, một bài khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học danh tiếng quốc tế là một tài sản tri thức lớn. Điều đó nói lên rằng giới khoa học quốc tế rất trân trọng những thành quả mà các nhà khoa học đó đóng góp. Vậy thì ta khuyến khích 1,000 vì cái việc nhà khoa học có bài đăng trên tạp chí được người ta tôn trọng. Thế nên tôi có thắc mắt tại vì sao chúng ta không tôn trọng để sử dụng có hiệu quả các công trình đó?! Các nhà khoa học sẽ tán đồng và vui mừng khi nhà nước lấy ngân quỹ khuyến khích đó để lập nên ban tổng hợp và ứng dụng các công trình có chất lượng.

Họ và tên: PGS TSKH Nguyen Nam Trung
Địa chỉ: Nanyang Technological University, Singapore
Email: mntnguyen@ntu.edu.sg

Tôi không đồng ý với ông Nguyễn Quang A và ủng hộ ý tưởng của ông Nguyễn Thiện Nhân. Trong tình trạng nghiên cứu khoa học Việt Nam hiện nay, giải pháp này có thế làm tăng số bài báo được đăng từ Việt Nam một cách nhanh nhất. Không phải lo chất lượng bài báo vì đã có chuyên gia và đồng nghiệp quốc tế thẩm định. Còn tạp chí nào có uy tín thì đã có những cơ sở dữ liệu như ISI xếp hạng và đánh giá (một cách có khoa học) dựa trên chỉ số ảnh hưởng (impact factor). Số tiền thưởng có thể tính theo hệ số ảnh hưởng của tạp chí, hệ số càng cao tiền càng nhiều. Cái này Trung Quốc đã làm và có hiệu quả.

Đồng nghiệp tôi tại đại học Thanh Hoa cho biết, trường này trả 30.000 US$ cho một bài đăng Nature hoặc Science. Hệ số ảnh hưởng của các tạp chí này xấp xỉ 30. Như vậy với $1000 cho 1 điểm hệ số ảnh hưởng là hợp lý. Phần lớn các tạp chí kỹ thuật chuyên ngành chỉ có hệ số khoảng 1 hoặc 2 mà thôi. Có thể có chính sách thưởng ban đầu ít thôi, nhưng sau 3 hoặc 5 năm thưởng thêm dựa trên số lần được trích dẫn của bài báo đã đăng. Theo tôi nghĩ, quản lý và phân phối khoản thưởng này một cách minh bạch không khó.

Nếu là một nhà nghiên cứu có nhiệt huyết, $1000 có thể đầu tư lại để mua máy móc thiết bị và trả thêm tiền cho sinh viên để tiếp tục nghiên cứu. Kết quả mới được đăng báo sẽ bu vào cái vốn này. Vì chúng ta chưa giải quyết được vấn đề phân bố, đầu tư tiền tài trợ nghiên cứu khoa học minh bạch và tiết kiệm, khoản tiền nhỏ này sẽ là giải quyết cho các nhà khoa học có khả năng và tâm huyết để có động cơ và vốn để làm việc. Khi hệ thống quản lý khoa học trưởng thành hơn, có thể bỏ thưởng theo bài báo kiều này mà chuyển thành lương chính thức và tài trợ nghiên cứu cho các nhà khoa học xứng đáng.

Họ và tên: NGUYỄN TƯỜNG AN
Địa chỉ:
Email: vuanngng@yahoo.com

Trong khi chúng ta có rầt nhiều nhà khoa học chân đất, họ không được đào tạo, không có viện trường, phòng thí nghiệm gì cả mà họ vẫn sáng tạo ra những phương thức, công cụ sản xuất có ích cho đời sống thì vẫn chưa có phần thưởng gì cho họ ngoài việc " được " đưa tin trên truyền hình. Tôi nghĩ, tiêu chí không phải là có bài báo được đăng ở tạp chí nước ngoài mà phải là tiêu chí có ích cho sự tiến bộ. Tôi đã có dịp tiếp xúc làm việc với nhiều tiến sĩ ( kể cả tiến sỹ phiên - ngang từ PTS của LX) mà thấy tội nghiệp cho cách đặt vấn đề, phương pháp tư duy của họ. Nghe sắp đến lại có chuyện làm Văn Miếu cho Tiến sỹ hiện đại mà ...bỗng dưng muốn khóc ! Cũng vẫn cái tiêu chí háo danh mà không đi vào thực học, lấy kết quả thực tiễn làm chân lý, bệnh này ăn quá sâu vào não trạng rồi sao ? Thôi, nếu có tiền thì nên dành để thưởng cho các nhà khoa học chân đất hay cho những ai mang giải Nobel khoa học, kinh tế , văn chương về cho đất nước !

Họ và tên: Nguyễn Văn Ngọc
Địa chỉ: Nghệ An
Email: ngochec13@yahoo.com.vn

Tôi rất đồng tình với TS Nguyễn Quang A. Không thể thưởng một cách tuỳ tiện chỉ vì một lý do không mấy thuyết phục như thế. Một nhà khoa học chân chính sẽ cảm thấy không vui (nếu không muốn nói là bất bình) khi PTT Nguyễn Thiện Nhân "treo" giải thưởng như thế. Và nhân đây toi cũng muốn có lời nhắn gửi đến Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân hãy dùng đơn vị VNĐ thay cho USD.


 

Họ và tên: Bình Minh
Địa chỉ: Seoul-Korea
Email:

Đọc bài viết của TS. Nguyễn Quang A và phản hồi của nhiều bạn đọc, tôi thấy chúng đang áp đặt suy nghĩ và tư tưởng của chúng ta lên các vấn đề của thế giới. Là một nhà khoa học thì bất cứ ai cũng mong muốn có được những công trình được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín. Vn Quang A, đó là để phát triển được nền khoa học nước nhà “Nhà nước hãy đầu tư thích đáng cho các cơ sở đào tạo và nghiên cứu, hãy để cho họ được tự trị, hãy tạo các điều kiện và môi trường cho họ hoạt động”.

Họ và tên:
Địa chỉ: Vĩnh Ninh- Huế
Email: Haanh@yahoo.com.vn

Bài viết của TS Nguyễn Quang A rất đáng để quan tâm nghiên cứu. Tôi chỉ có một ý kiến nhỏ là: Tại sao Bộ GD-ĐT thỉnh thoảng lại đưa ra một sáng kiến mà nhiều lúc xem ra chưa đưọc tham khảo ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học. Xem ra không có một "chiến lược" được hoạch định công phu mà là những "cú đánh úp" theo tình huống.


T



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...