Thứ Ba, 30 tháng 9, 2008

"Trang điểm giá trị", văn hóa hay căn bệnh?


Hẳn là một người đàn ông tự trọng, bản lĩnh phải muốn được giới thiệu anh ấy là ai, làm gì trong xã hội, chứ không phải là anh rể người đẹp A, hay là họ hàng của ngôi sao B.

Khi xưa, dân gian hay truyền miệng câu thành ngữ: “Thấy người sang bắt quàng làm họ” để nói những người có tâm lý thích dựa hơi những người có chức quyền, vị trí trong xã hội để vụ lợi.

 

Ngày nay cũng có không ít những vị chức quyền có thể “làm sang” cả tỉnh nhờ những dự án hay vị thế của ông mang lại.

Nhưng thời hiện đại cũng có một kiểu “cầu danh” khác chẳng biết lợi hay hại, mục đích và hiệu quả của nó có lẽ chỉ có những người trong cuộc mới có thể diễn giải rành rẽ.

 

Trong những quán nước, buổi nhậu, hay hội thảo diễn đàn, người ta rất hay nghe được những câu giới thiệu kiểu: “Đây là anh Lê Văn A, con của đồng chí Lê Văn B, em của đồng chí Lê Văn C, chồng của chị Trần Thị X…”.

 

Mới nghe ai cũng bồi hồi ngưỡng mộ, đúng là một gia đình danh giá. Thế nhưng sau đó người ta mới chợt nghĩ, đồng chí B và C thành công nổi tiếng là thế, chị X sắc sảo thông minh là thế, sao cái anh A lại chẳng có chút tên tuổi hay thành tích gì nhỉ.

 

Rồi người ta cũng thở phào nhẹ nhõm khi biết được bản thân anh A cũng là giám đốc một doanh nghiệp, một cá nhân xuất sắc. Nhưng khổ nỗi, bản thân vị trí thực của anh nhiều khi bị lãng quên mất, chỉ vì bố anh, anh trai anh, vợ anh được nhiều người biết đến hơn, hay đơn giản, họ ở vị trí được nhiều người xun xoe chăm sóc để hưởng lợi nhiều hơn.

 

Với những người có tự trọng, việc “được” biết đến chỉ vì là chồng vợ của một ai đó là một sự hạ thấp, xúc phạm ghê ghớm. Vô hình trung, những người xung quanh đã biến một con người thực với những giá trị thực của họ thành cái bóng mờ, biến cá nhân xuất sắc thành vật trang điểm của một người khác.

 

Thế nhưng chuyện này vẫn xảy ra hằng ngày, với cả sự vui vẻ hay khổ sở từ những người trong cuộc, vì nhiều lý do khác nhau.

 

Cô ca sĩ trẻ nổi danh từ cuộc thi Sao Mai điểm hẹn 2006 Minh Thư còn luôn được biết đến là… cháu của ca sĩ Lam Trường. Ngộ thế! Là cháu của ai có liên quan gì đến tài năng ca hát không nhỉ? Lỗi không phải của Minh Thư, mà của những người luôn giới thiệu cô như thế.

 

Chuyện này cũng xảy ra với rất nhiều người, bất kể người được giới thiệu có thích hay không. Nó gần như trở thành một kiểu văn hóa của những người liên - quan - đến - người - nổi - tiếng. 

 

Với ai có tự ái cao, văn hóa giới thiệu này là một sự tra tấn. Nhưng để diễn giải sự tự ái của họ thành lời và can ngăn những người bạn đừng tiếp tục quàng cái “vinh hạnh” lên người họ là điều rất khó.

 

Nhiều người phải rơi vào tình thế cười như mếu vì niềm vinh hạnh này. Không chỉ làm mờ giá trị thực con người, mà thành công của người thân còn là áp lực, càng làm sự kém cỏi bất tài của bản thân họ “nổi” hơn mà thôi.

 

Khi được giới thiệu anh này là con ông kia, chả biết có “oai” hơn chút nào, nhưng chắc chắn sẽ có những bình luận kiểu “hổ phụ đẻ mèo tử” hay “cây ngọt mà ra quả đắng”.

 

Với những với người thông minh, sâu sắc, đó là một hình thức giết người không dao. Nhưng với những chàng hợm hĩnh nông cạn, “chiếc nôi vàng” gia đình là giá trị để anh ta lên mặt với xã hội.

 

Có không ít người trong họ thở than: Tôi bị cái bóng của bố tôi, anh tôi, vợ tôi… che khuất, nhưng thực ra áp lực đó là do chính họ tạo ra, và trong thâm tâm họ hẳn rất tự hào làm cái bóng đó.

 

Họ, lúc công khai, lúc ý tứ giới thiệu thanh thế của mình, rằng bạn thân tôi là diễn viên Nguyễn Văn A, bố vợ tôi là ngài Nguyễn Văn C, anh họ tôi là ông Trần Văn Đ…

 

Ơ hay! Nếu với xã hội bản thân anh là con số 0, thì việc anh là anh vợ của ai, em họ của người nào thì có giá trị gì? Hoặc ngay chính giá trị vượt trội của bản thân, họ không trân trọng hoặc nhìn nhận, làm sao trông đợi ở người khác?

 

Một nhà báo đã từng than thở, ông có người bạn rất thân cũng là một tài năng thơ văn báo chí khá sắc sảo. Thế nhưng, buồn một nỗi, đồng nghiệp và độc giả lại thường chỉ biết đến anh ta với vai trò là… con nuôi của một đồng chí lãnh đạo nổi tiếng, là bạn thân của một nhạc sĩ nổi danh, và là em rể của một doanh nhân khá thành đạt trong lĩnh vực bất động sản!

 

Lý do là bản thân vị này sung sướng và hãnh diện với những “vai trò” đó, nên trong các cuộc gặp gỡ anh dành phần lớn thời gian để kể về chuyện con vẹt nhà ông bố nuôi mới nói được câu mới ra sao, ông bạn nhạc sĩ mới có fan hâm mộ tỏ tình như thế nào, hay căng thẳng bình luận chuyện ông anh vợ gặp trục trặc với lô đất mới kiểu gì…

 

Lâu dần, bạn bè đồng nghiệp anh chẳng nhớ nổi công việc thực và tác phẩm của anh nữa. Mỗi khi có người mới xuất hiện, điệp khúc: “Đây là anh A, con nuôi ông B, bạn thân anh C, em rể anh D” được nói đi nói lại. Lâu dần, những gì thuộc về giá trị cá nhân anh còn lại mỗi cái tên.

 

Rất khó gọi tên hiện tượng này là gì, không hẳn là văn hóa mà giống một căn bệnh hơn. Căn bệnh của những người tự ti hay nhầm giá trị, rất tiếc lại khá phổ biến trong xã hội.

 

“Bệnh nhân” của nó bao gồm cả những người lao động chân tay, phu hồ, xe ôm đến những trí thức, nghệ sĩ, doanh nhân; từ những cá nhân mờ nhạt đến xuất chúng trong xã hội.

 

Khổ nỗi, căn bệnh này chỉ có chiều hướng lan ra chứ không giảm nhẹ hoặc được chữa trị, bởi đơn giản, không ai nghĩ đó là bệnh. Nó được coi là văn - hóa - vinh - danh - con - người, nhưng thực ra, hiệu quả hoàn toàn ngược lại!

  • Hoàng Hường
http://vietnamnet.vn/vanhoa/2008/10/806371/

@ Bình loạn:
- Những kẻ dựa hơi ngày càng lắm, mà họ càng giàu, càng nổi tiếng càng dựa hơi, thí dụ như anh chàng doanh nhân thành đạt ở đất Mỹ được bà con trong nước biết đến là "chồng của cô người mẫu diễn viên Trương Ngọc Ánh", chàng ca sĩ tốn tiền du học về quản trị kinh doanh bên Úc rồi về VN lập nghiệp bằng tiền của bà mẹ là 1 nghệ sĩ cải lương nổi tiếng, ... nhiều nhiều lắm
- Ngược lại cũng nhiều người lại vừa giấu đám đông mà khoe đám quan lại rằng ta vốn là con nuôi của vợ ông cố thủ tướng....


4 nhận xét:

  1. Cảm ơn vì đã chia sẻ bài viết này .

    Trả lờiXóa
  2. với một người từng trải như chú thiết nghĩ đây là chuyện bình thường trong xã hội

    Trả lờiXóa
  3. Tất cả những chuyện lẽ ra không bình thường lại đang là bình thường trong xã hội ta, đó mới là điều đáng sợ .

    Trả lờiXóa
  4. Thầy Nhật Chiêu từng nói 1 câu: tất cả mọi chuyện ở VN hầu như đều ngược lại với quy chuẩn quốc tế...
    không biết trong 80 triệu người VN có bao nhiêu người nhận biết được điều này

    Trả lờiXóa

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thư gửi Bộ Y tế Úc xin viện trợ Vaccine phòng covid

 Ngày 26-7-2021 Hôm nay nhận được một lá thư từ Bộ Y tế Úc, với một chút hi vọng về chuyện vaccine. (xem thư đính kèm email) Các bạn có lẽ c...